Phát huy tối đa hiệu quả tiềm năng khoa học và công nghệ

Cập nhật: 29-12-2021 | 08:50:14

 Những năm qua, lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh được đầu tư phát triển và ứng dụng cụ thể, rộng rãi, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống, nhất là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Chất lượng các dịch vụ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp và người dân. Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh triển khai các giải pháp để phát huy hiệu quả tối đa tiềm năng KH&CN.

 Sinh viên nghiên cứu trong phòng FALAP tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng tỉnh (BIIC)

 Tiềm lực mạnh

Những năm qua, tỉnh không ngừng đẩy mạnh chuyển dịch phát triển kinh tế trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến công nghệ, ưu tiên mời gọi, thu hút đầu tư những ngành nghề đang có tiềm năng, có hàm lượng KH&CN, nâng cao trình độ sản xuất, tăng giá trị nội địa hóa và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất của chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các chương trình đổi mới công nghệ.

Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới dựa vào nền tảng KH&CN hiện đại, nhất là công nghệ số kết hợp và hỗ trợ hoạt động kinh doanh dịch vụ. Việc thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng là bước tiến quan trọng để phát triển các hoạt động KH&CN, cũng như hình thành nhiều tổ chức KH&CN trong tương lai. Hiện Bình Dương có 29 tổ chức KH&CN (14 tổ chức công lập và 15 tổ chức của cá nhân, doanh nghiệp). Đối với 14 tổ chức công lập, có 3 tổ chức thuộc Sở KH&CN, 1 thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, 1 thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, 1 thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Nam bộ, 1 trực thuộc UBND tỉnh; 7 tổ chức thuộc các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Đây là các tổ chức thuộc loại hình nghiên cứu và phát triển và dịch vụ.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng đầu tư phòng thí nghiệm, trạm, trại thực nghiệm. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 phòng thí nghiệm, thực nghiệm được xây dựng dựa trên những lĩnh vực thuộc thế mạnh của địa phương như Fablab lĩnh vực cơ khí chế tạo (trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore); Fablab lĩnh vực công nghệ sinh học (trường Đại học Thủ Dầu Một); Fablab đa ngành (Trung tâm Sáng kiến cộng đông và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh); Phòng thí nghiệm chế tạo Becamex; Phòng thí nghiệm chiếu sáng Philips EIU tại Đại học Quốc tế Miền Đông; Viện Nghiên cứu và Phát triển Becamex; Phòng Nghiên cứu và Phát triển chung của VNTT và Wustech.

Bên cạnh đó, hiện nay đa số các trường đại học đều có trang bị hệ thống các phòng lab, các phòng thí nghiệm... phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu, hỗ trợ sinh viên tham dự các cuộc thi khởi nghiệp. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có6 tổchức cung cấp dịch vụkiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường, đáp ứng cơ bản nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo của các cơ quan quản lýnhànước vàdoanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệquyền lợi người tiêu dùng. Hệ thống mạng lưới tổ chức KH&CN công lập chiếm tỷ lệ gần 50% với 14/29 đơn vị.

Đánh giá tiềm lực về tổ chức KH&CN công do Sở KH&CN quản lý, ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết với các thiết bị được đầu tư từ dự án giúp các tổ chức KH&CN nâng cao chất lượng các dịch vụ, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước được giao, đồng thời triển khai thêm các dịch vụ giúp tăng nguồn thu cho đơn vị. Cụ thể, đối với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thông qua các dự án đầu tư, đã thực hiện hầu hết các dịch vụ trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử trong phạm vi quản lý của sở. Đối với Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin được trang bị, đặc biệt là phòng máy chủ giúp triển khai hệ thống phần mềm. Cổng thông tin KH&CN là phương tiện tuyên truyền và kết nối các nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao vào sản xuất, các căn cứ pháp luật... đến với doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Góp phần vào hiệu quả của dự án là hệ thống cơ sở dữ liệu về KH&CN được tạo lập rất phong phú, là nguồn tài liệu hữu ích trong công tác thẩm định nội dung các đề tài, dự án về KH&CN khi đăng ký thực hiện, tránh bị nghiên cứu trùng lắp. Đối với Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đãmở rộng khả năng kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo thêm 7 lĩnh mới.

Triển khai các giải pháp

Để phát huy hiệu quả tối đa tiềm năng KH&CN, tỉnh đã đề ra những giải pháp, đầu tư nguồn lực thực hiện quy hoạch. Cụ thể, về tổ chức dịch vụ KH&CN, tỉnh hoàn thiện về tổ chức (địa vị pháp lý), phát triển nhân lực, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế, phương thức hoạt động. Đặc biệt quan tâm củng cố các tổ chức chuyển giao công nghệ, dịch vụ kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, tổ chức về thông tin và thống kê KH&CN.

Kinh phí cho hoạt động dịch vụ KH&CN gồm nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn thu ngoài ngân sách Nhà nước. Để phát triển nhân lực KH&CN, tỉnh đẩy mạnh triển khai quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Có chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài về làm việc tại các tổ chức KH&CN, đặc biệt là các tổ chức nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh bảo đảm việc bố trí đất theo chế độ ưu tiên dành cho phát triển các tổ chức KH&CN công lập trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất của tỉnh và các địa phương đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Áp dụng các chế độ ưu đãi theo quy định đối với từng loại hình tổ chức KH&CN và mục đích sử dụng đất của tổ chức KH&CN công lập (nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, sản xuất, dịch vụ).

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên