Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Cập nhật: 12-03-2018 | 08:32:15

Là địa phương có công nghiệp phát triển năng động của cả nước nhưng Bình Dương không đánh đổi môi trường để phát triển bằng mọi giá. Nhiều năm qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) luôn được tỉnh đề cao, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đầu tư lớn cho môi trường

Với quan điểm BVMT vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản bảo đảm phát triển bền vững, tỉnh Bình Dương đãlồng ghép công tác BVMT vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xãhội tỉnh nhà. Cụ thể như Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xãhội tỉnh Bình Dương đến năm 2025; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Dương đến năm 2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xãhội và đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020… đều lồng ghép với vấn đề BVMT. Bên cạnh đó, Bình Dương đãxây dựng các quy hoạch chuyên đề, như Quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn đến năm 2030; Quy hoạch thăm dò, khai thác, khoáng sản giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2016-2025… Điều này khẳng định, Bình Dương chọn con đường phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế.

Học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn tỉnh đi bộ đồng hành
bảo vệ môi trường. Ảnh: X.V

Theo ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Bình Dương đang triển khai 14 dự án lớn về BVMT, như Dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ cho ứng cứu sự cố môi trường do cháy nổ; Đề án xử lý chất thải y tế Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025; Dự án đầu tư trang thiết bị tăng cường năng lực cho Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường - giai đoạn I; Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương… Tổng kinh phí cho các dự án này là 13.226 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính chức (ODA) là 7.619 tỷ đồng. Đây là mức đầu tư lớn nhất của Bình Dương từ trước đến nay trong công tác BVMT.

Thực hiện hiệu quả các dự án BVMT

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan đang đẩy nhanh tiến độ Dự án thoát nước và xử lý nước thải, nằm trong Kế hoạch BVMT giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải đô thị Dĩ An và Dự án nâng công suất xử lý nước thải của Nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một từ 17.500m3/ngày lên 32.000m3/ ngày. Sở cũng đang đẩy mạnh việc đấu nối nước thải của các hộ dân vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải của đô thị Thủ Dầu Một và Thuận An; triển khai Dự án thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An - Thuận An - Tân Uyên, hệ thống tiêu nước Chòm Sao - Suối Đờn giai đoạn 2; đồng thời tập trung xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường ở kênh Ba Bò, rạch Chòm Sao - Suối Đờn, suối Siệp...

Ông Nguyên cho biết, ngành tài nguyên - môi trường của tỉnh còn rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện để hướng tới mục tiêu BVMT bảo đảm phát triển bền vững. Trong năm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng và ban hành quy định về vùng xả thải của các kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh; song song đó là triển khai thực hiện danh mục các dự án đầu tư, các vùng, địa điểm có nguy cơ ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường. Cùng với đó, tỉnh sẽ thực hiện các quy định mới về các ngành nghề sản xuất công nghiệp nhằm hạn chế những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, xả thải nhiều nước thải, gây tổn hại môi trường. Sở cũng sẽ triển khai thực hiện nghiêm quy định về cấm và hạn chế khai thác khoáng sản, khai thác nước tại một số khu vực nhạy cảm nhằm bảo đảm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước được khai thác hiệu quả nhất; triển khai thực hiện đề án Xây dựng thành phố thông minh trong lĩnh vực BVMT…

Có thể thấy, với số vốn đầu tư vào mục tiêu BVMT lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, Bình Dương đang quyết tâm xây dựng thành phố văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường. Để hoàn thành nhiệm vụ này, theo các chuyên gia, cần sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 Bình Dương đang phấn đấu đến năm 2020, 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải; 70% đô thị loại 4 trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% chất thải rắn đô thị và chất nguy hại và 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý. Bình Dương cũng đề ra mục tiêu kiểm soát 100% hoạt động khai thác sử dụng nước dưới mặt đất; bảo đảm 100% tầng chứa nước dưới đất không suy thoái, cạn kiệt; 100% hộ gia đình nông thôn có công trình vệ sinh đạt yêu cầu; 100% dân số được sử dụng nước sạch; tỷ lệ che phủ rừng đạt 59%...

 

 XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=474
Quay lên trên