Để tạo ra nguồn nông sản chất lượng, nâng cao giá trị và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, huyện Dầu Tiếng đang tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Hiệu quả cao
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch, chất lượng cao trên thị trường đang rất lớn, chị Nguyễn Như Ngọc ở ấp Đất Đỏ, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng đã đầu tư trên 1,2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng trồng dưa lưới Đài Loan trên diện tích 4.480m2. Chị Ngọc cho biết, khác với phương pháp canh tác truyền thống, trồng dưa lưới trong nhà màng có thể hạn chế được sâu bệnh xâm nhập, giúp cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Với mô hình này, chị có thể trồng được 2 - 3 vụ mỗi năm mà không phụ thuộc vào tác động của môi trường và biến đổi thời tiết... Sau khi trừ chi phí, khấu hao thiết bị, mỗi năm 1 nhà màng chị Ngọc có lãi 30 - 35 triệu đồng/vụ; tính tổng số vụ gieo trồng trong năm chị có lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Đây là mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao đầu tiên của huyện Dầu Tiếng.
Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Dầu Tiếng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Ông Nguyễn Tấn Phước Vinh, chủ Trang trại trồng lan Mai Quốc đang chăm sóc vườn lan. Ảnh: HỒNG NGA
Trang trại trồng lan Mai Quốc ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng là đơn vị đầu tiên tại huyện đã mạnh dạn đưa giống lan dendro về trồng với diện tích lớn (6 ha), mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chia sẻ về việc chọn giống lan dendro để trồng, ông Nguyễn Tấn Phước Vinh, chủ Trang trại trồng lan Mai Quốc cho biết, ở Việt Nam hiện nay ít người trồng loại lan này, vì nó khó trồng hơn so với lan mokara.
Khác với những loại lan trồng dưới đất hoặc trồng bằng xơ dừa, vườn lan của ông Vinh chủ yếu trồng bằng than và trồng trên giàn, do vậy phải đầu tư khá kỹ để xây dựng hệ thống vỉ đựng, chậu, mái che và cả hệ thống tưới nước tự động. Trang trại của gia đình ông cung cấp cả hoa và chậu lan trưởng thành cho các chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh. Mỗi năm, trang trại lan mang lại cho gia đình ông số tiền lãi khoảng 3,6 tỷ đồng. Trang trại lan của ông còn tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Cần thêm những chính sách hỗ trợ
Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Dầu Tiếng cho biết, thực hiện Chương trình số 18 của Huyện ủy về Kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn, UBND huyện đã cụ thể hóa, triển khai lồng ghép và kịp thời quy hoạch chi tiết ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thời gian qua, huyện Dầu Tiếng đã giữ vững diện tích cây trồng, tăng chất lượng và thay thế bằng giống mới. Bên cạnh đó, số lượng trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện phát triển nhanh chóng, trong đó riêng số lượng trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm ứng dụng công nghệ cao đến nay đã tăng lên 145 trang trại.
Tuy vậy, theo ghi nhận, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Dầu Tiếng vẫn còn gặp không ít khó khăn. Khó khăn trước hết là chi phí đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao cao gấp 3 - 4 lần so với phương pháp truyền thống. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Quyết định 68 nhằm tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, nhưng trên thực tế người dân vẫn rất khó để tiếp cận được nguồn vốn này. Bên cạnh đó, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải có nguồn nhân lực am hiểu về khoa học - kỹ thuật, tuy nhiên nguồn nhân lực có chuyên môn, được đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện vẫn đang còn thiếu...
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngoài sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, huyện Dầu Tiếng đang rất cần những chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, từ việc liên kết sản xuất đến tìm đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
HỒNG NGA