Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT được không?

Cập nhật: 01-08-2013 | 00:00:00

Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều chuyên gia đề nghị ngoài việc chú trọng giáo dục nhân cách cho học sinh (HS) ngay từ bậc tiểu học, cần phải đổi mới phương thức thi cử, cấu trúc lại hệ thống bậc học phổ thông, xem lại chênh lệch học phí quá lớn giữa trường tư và trường công…

  Học sinh Trường THPT Gia Định (TP.HCM) ôn bài trước khi thi tốt nghiệp THPT năm 2013  Xem nhẹ giáo dục nhân cách

"Nếu theo dõi được thì bỏ khâu tốt nghiệp đi. Hai kỳ thi tốt nghiệp và ĐH cách nhau gần quá, gây khổ cực cho học sinh, cho gia đình cũng như địa phương".

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

Hầu hết các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều đề cập đến việc giáo dục lâu nay mới chỉ chú trọng nội dung kiến thức văn hóa mà xem nhẹ giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS ngay từ bậc tiểu học. Điều này để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.

GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng những quy tắc đơn giản trong giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng, thái độ đối với môi trường, thiên nhiên, những điều ác cần tránh, những điều thiện nên làm, những phẩm chất cần rèn luyện như tính trung thực, lòng vị tha, tôn trọng pháp luật… đều không được dạy dỗ một cách hệ thống và bài bản trong trường học của chúng ta hiện nay. “Bởi vậy, cần có một sự đổi mới rất căn bản về nội dung chương trình theo xu hướng giảm tải kiến thức nhưng tăng cường giáo dục kỹ năng sống”, GS Cương đề nghị.

GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐHDL Thăng Long, cũng nhận xét tương tự. Bà nói: “Trong 12 năm từ tiểu học đến hết THPT, giáo dục của mình chỉ làm được việc trang bị kiến thức cho HS, còn những đức tính con người thì chưa làm được gì”, và bà Sính gọi “đó là một lãng phí lớn”.

GS-TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH, thì cho rằng giáo viên hiện nay lẽ ra thông qua dạy chữ để dạy người thì chỉ dạy kiến thức văn hóa chứ không giáo dục được về nhân cách cho HS.

Thay đổi thi cử để chấm dứt kiểu... “học thêm, học nếm”

GS Văn Như Cương đề xuất một trong 5 giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam ở bậc phổ thông là thay đổi cách thi cử, phương pháp đánh giá, kiểm định chất lượng.

GS Cương dẫn thực tế: Con em chúng ta đang phải đối đầu với những cung cách thi cử căng thẳng và lạc hậu. Trước khi vào lớp 1 đã phải luyện thi để mong đậu vào các trường điểm, trường có uy tín, thậm chí phải “chạy” trường, “chạy” lớp. Các kỳ thi vào lớp 10, vào trường chuyên, thi HS giỏi, thi tốt nghiệp phổ thông, thi đại học… đều làm HS khổ sở nhưng lại không đánh giá được thực chất vì không có cách gì khắc phục được các tiêu cực trong phòng thi. Từ đó dẫn đến phong cách học tập lạc hậu như học lệch, học tủ, học gạo, học thuộc lòng, học thêm, học nếm… vẫn cứ tồn tại.

GS Cương cho rằng: “Đánh giá năng lực của mỗi HS là tổng hợp kết quả của tất cả giai đoạn đó. Không thể chấp nhận hiện tượng học suốt 12 năm ròng rã mà được đánh giá chỉ bằng một bài thi làm trong 3 tiếng đồng hồ”. Ông đề nghị kỳ thi tốt nghiệp nên tổ chức nhẹ nhàng và nên giao về các sở GD-ĐT. Đối với kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ, nên giao cho các trường quyết định tùy theo yêu cầu của mỗi trường thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, có thể thi hoặc xét vào nhiều lần trong một năm.

Phát biểu sau đó, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đặt vấn đề rằng Bộ GD-ĐT nghiên cứu có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT được không vì trường nào HS cũng đỗ tốt nghiệp gần 100%. Chỉ được duy nhất một năm thắt chặt “hai không” thì tỷ lệ đỗ thấp. “Nếu thắt chặt lại thì thắt chặt cả khâu quản lý, giảng dạy. Nếu theo dõi được thì bỏ khâu tốt nghiệp đi. Hai kỳ thi tốt nghiệp và ĐH cách nhau gần quá, gây khổ cực cho HS, cho gia đình cũng như địa phương”, Phó chủ tịch nêu quan điểm.

Theo TNO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=288
Quay lên trên
X