Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh: Tăng mức xử phạt để răn đe, chấm dứt các cơ sở thẩm mỹ vi phạm

Cập nhật: 06-07-2023 | 22:31:03

(BDO) Hiện nay, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh những cơ sở hoạt động đúng chức năng được cấp phép thì có rất nhiều nơi hoạt động “chui”, có nhiều biện pháp đối phó với lực lượng chức năng.

Đặc biệt, một số cơ sở nhỏ hoạt động “ăn gian” thêm dịch vụ thẩm mỹ, kèm đó là bác sĩ “dỏm”…và đã gây ra nhiều vụ việc đáng tiếc cho khách hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (QLKCB), Bộ Y tế cho rằng trước tình trạng nở rộ cũng như hoạt động trái phép của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ như hiện nay, cần tăng mức xử phạt để răn đe, chấm dứt các cơ sở vi phạm!

- Quan điểm của ông như thế nào đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đang hoạt động “chui”, không đúng chức năng như hiện nay, thưa ông?

- Luật không cấm thành lập các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Tại Điểm đ, khoản 7 Điều 3 “Sửa đổi Điều 22” Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12-11-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế quy định cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là một trong những hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (cơ sở dịch vụ y tế).

 Đoàn kiểm tra liên ngành do Phòng Y tế TP.Thủ Dầu Một chủ trì kiểm tra một cơ sở làm đẹp trên địa bàn thành phố

Tuy nhiên, tại mục 5, khoản 4 bổ sung Điều 23 a quy định tại Nghị định này thì cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình cấp giấy phép hoạt động: “Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

- Ông có khuyến cáo gì đến khách hàng, nhất là những người dân đang có nhu cầu tìm đến các cơ sở thẩm mỹ để làm đẹp, “nâng cấp bản thân”?

- Thời gian qua nhiều, cơ sở thẩm mỹ viện hoạt động chưa đúng quy định nên đã để xảy ra một số hậu quả đáng tiếc, gây thiệt hại về người và của, tác động xấu đến xã hội, đến ngành y tế.

Thực hiện Quyết định số 1701/QĐ-BYT ngày 5-4-2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 9-1-2023 của Quốc hội, Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Trong đó có nội dung quy định cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là một trong những hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (cơ sở dịch vụ y tế) và phải được cấp phép hoạt động, từ đó công tác quản lý chặt chẽ hơn theo quy định của pháp luật.

Khách hàng, người dân đang có nhu cầu tìm đến các cơ sở thẩm mỹ để làm đẹp, “nâng cấp bản thân” mình phải tìm hiểu; nếu sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điểm đ, khoản 7 Điều 3 “Sửa đổi Điều 22” Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

- Từ góc độ quản lý, theo ông cơ quan quản lý trong lĩnh vực này ở các địa phương cần làm gì để chấn chỉnh hoạt động khám, điều trị cũng như các dịch vụ thẩm mỹ không phép hiện nay?

- Như trên đã nói, trong thời gian qua có nhiều cơ sở thẩm mỹ viện hoạt động chưa đúng quy định, nên đã để xảy ra một số hậu quả đáng tiếc, gây thiệt hại về người và của, tác động xấu đến xã hội, đến ngành y tế. Cục QLKCB thường xuyên có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố nói chung và Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh nói riêng đôn đốc, nhắc nhở, đề nghị tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt theo quy định của pháp luật, theo quy định của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 15-11-2020 của Chính phủ đối với những hành vi vi phạm; đồng thời yêu cầu tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nhiều Sở Y tế đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đồng thời có báo cáo việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm.

Tuy nhiên, cần tăng mức xử phạt lên cao hơn nữa để có đủ sức răn đe, chấm dứt các cơ sở sai phạm.

Ngoài ra, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh và đề xuất nội dung quy định cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là một trong những hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (cơ sở dịch vụ y tế) và phải được cấp phép hoạt động.

Qua đó tăng cường được công tác quản lý theo quy định của pháp luật. Nghị định đang trong quá trình dự thảo và lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan (trong đó có Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Hiện nay, tại một số thành phố lớn đang có biểu hiện quá tải về công tác quản lý đối với các cơ sở bệnh viện, phòng khám, cơ sở thẩm mỹ tư nhân, nhất là đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động theo quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Do đó, Bộ Y tế (cụ thể là Cục QLKCB) sẽ tiếp tục có các văn bản đôn đốc, nhắc nhở Sở Y tế các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử phạt nghiêm những cơ sở trái phép, vi phạm pháp luật.., đồng thời cũng yêu cầu các Sở Y tế thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng đối với các cơ sở vi phạm để người dân biết.

Do sự phát triển về thông tin đại chúng, nhiều trang mạng, thậm chí nhiều báo, đài quảng cáo về phương thức làm đẹp.

Tuy nhiên, các báo, đài cũng cần phải có các chuyên gia về y khoa cố vấn để truyền thông đúng, cố vấn cho người tiêu dùng sử dụng đúng dịch vụ.

Ngoài ra, người tiêu dùng thông minh phải biết lựa chọn dịch vụ của cơ sở đã được cơ quan chức năng y tế cấp phép, được phẫu thuật nếu cần phẫu thuật. Phải biết rõ chất được đưa vào cơ thể, tác dụng, nguồn gốc, cũng như hậu quả của nó. 

Cục QLKCB trân trọng cảm ơn Báo Bình Dương và các cơ quan báo, đài luôn đồng hành cùng Bộ Y tế và Cục QLKCB đã và rất tích cực tham gia phản ánh những việc làm chưa đúng quy định, vi phạm pháp luật để Bộ Y tế kịp thời xử lý, giải quyết, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

- Xin cảm ơn ông!

                                               Nhóm phóng viên (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=4760
Quay lên trên