Phối hợp gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ công trình chống ngập

Cập nhật: 08-10-2024 | 08:41:14

Trước tình trạng ngập do mưa lớn và triều cường gây ra ngày càng diễn biến phức tạp, Bình Dương đã và đang đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, xây dựng mới hệ thống thoát nước kết nối đồng bộ, bảo đảm thoát nước hiệu quả.

Nhiều nỗ lực đáng ghi nhận

Thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của tỉnh, đến nay những dự án Ban Quản lý dự án (QLDA) ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) được giao làm chủ đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, cụ thểnhư Dự án trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn; dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước Bình Hòa và hạng mục cống kiểm soát triều rạch thuộc dự án cống kiểm soát triều rạch Bình Nhâm; hạng mục kênh T4, 4A, T5B thuộc dự án Hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp...

Các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đang nỗ lực phối hợp gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình chống ngập. Trong ảnh: Công trình dự án nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Ban QLDA ngành NN&PTNT đang tiếp tục triển khai thi công các dự án trọng điểm để giải quyết các điểm ngập trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, dự án nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai đến nay đã thực hiện 2/10 gói thầu thi công xây lắp, 8 gói thầu còn lại sẽ triển khai thi công trong năm 2025, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành trên 80%; dự án đầu tư giải quyết điểm ngập đoạn ngã ba cống đường Thích Quảng Đức (từ ngã ba cống đến cầu Bà Hên), TP.Thủ Dầu Một hiện nay đã thi công trên 80% khối lượng công trình, dự kiến hoàn thành trong năm 2024; tuyến rạch Cái Cầu thuộc dự án Hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp đã triển khai thi công 2/3 gói thầu; tuyến suối Nhum thuộc dự án Hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp đã triển khai thi công 1/2 gói thầu...

Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban QLDA ngành NN&PTNT, cho biết các dự án sau khi hoàn thành góp phần giải quyết các điểm ngập, chỉnh trang đô thị của tỉnh, thoát nước chống ngập úng lưu vực suối Cái thuộc địa bàn các phường Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Thạnh Phước của TP.Tân Uyên; đồng thời kiểm soát triều cường, cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất khu vực dọc theo sông Sài Gòn thuộc địa bàn TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một...

Dự án đầu tư giải quyết điểm ngập đoạn ngã ba cống đường Thích Quảng Đức, TP.Thủ Dầu Một dự kiến hoàn thành trong năm 2024

Còn khó khăn về giải phóng mặt bằng

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của tỉnh, Ban QLDA ngành NN&PTNT được giao triển khai thực hiện 16 dự án với mục tiêu giải quyết các điểm ngập trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Vũ Tiến Sơn, hiện nay việc thực hiện các dự án do Ban QLDA ngành NN&PTNT làm chủ đầu tư còn gặp khó khăn do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài. Mặt khác, công trình thoát nước chủ yếu dạng tuyến theo các suối, rạch hiện hữu hoặc mở mới đi qua nhiều khu vực địa giới hành chính (cấp tỉnh, huyện, xã); số hộ dân có đất, tài sản trên đất bị ảnh hưởng nhiều; dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó thực hiện công tác bồi thường, do đó công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện không đồng thời, dẫn đến kéo dài, chậm bàn giao mặt bằng sạch đểthi công các gói thầu.

Công trình cổng kiểm soát triều rạch Bình Nhâm (TP.Thuận An) góp phần chống ngập hiệu quả

Bên cạnh đó, hiện nay quy trình thực hiện bồi thường gồm rất nhiều bước (khoảng 15 bước) mới có thể chi tiền bồi thường cho người dân và bàn giao mặt bằng, mỗi bước đều đòi hỏi chặt chẽ về mặt hồ sơ, thời gian theo quy định. Trong khi đó, người dân có đất bị ảnh hưởng thường khiếu nại về chính sách bồi thường, như không thống nhất diện tích đo đạc, đề nghị bồi thường đất ngoài sổ, đơn giá bồi thường thấp hơn so với các dự án lân cận, yêu cầu tái định cư... Các dự án thoát nước đô thị lại thường nằm trong khu vực đông dân cư, mặt bằng nhỏ hẹp không có đường vận chuyển vật tư, vật liệu vào công trình, địa chất công trình mềm yếu thường xuyên bị sạt lở và nguy cơ cao ảnh hưởng đến nhà dân; mặt bằng thi công có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp nước, thoát nước thải nên vừa thi công vừa phải di dời nhưng không làm ảnh hưởng đến việc cấp nước, cấp điện, thoát nước thải cho người dân...

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, ông Vũ Tiến Sơn cho biết Ban QLDA ngành NN&PTNT đã phân công cán bộ phối hợp với trung tâm phát triển quỹ đất các địa phương làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; phối hợp với các đơn vị quản lý, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình điện để di dời phục vụ dự án; kiểm soát tốt hồ sơ từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn thực hiện dự án, hạn chế các trường hợp điều chỉnh, phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Ban quản lý cũng tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng công trình, bảo đảm thi công đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt; kiểm tra, đôn đốc nhà thầu tổ chức họp giao ban hàng tuần tại công trường, báo cáo kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh để cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền. 

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1403
Quay lên trên