Phòng bệnh sốt xuất huyết vào mùa mưa

Cập nhật: 02-06-2014 | 00:00:00
Bệnh sốt xuất huyết (SXH) xảy ra quanh năm nhưng thường xuất hiện cao điểm vào các tháng mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) và đối tượng dễ mắc bệnh SXH là trẻ em. Bệnh có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nói về bệnh này...

 Bệnh SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Bệnh được lây lan qua trung gian của muỗi vằn (Aedes Aegypti). Muỗi hoạt động và truyền bệnh về ban ngày. Sau khi hút máu người bệnh, muỗi vằn sẽ mang virus và truyền virus cho người khác. Đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích, rối loạn đông máu, suy tạng và tử vong nếu trẻ không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu của trẻ bị SXH là trẻ sốt cao liên tục từ 2 - 7 ngày, có thể có các biểu hiện xuất huyết như chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiêu ra máu. Ngoài ra trẻ còn có các biểu hiện như nhức đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hốc mắt. Bệnh SXH hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và phương pháp điều trị hiện nay trên thế giới là điều trị triệu chứng. Khi nghi ngờ trẻ bị SXH, có thể chăm sóc trẻ SXH tại nhà bằng cách cho trẻ uống nhiều nước như nước cam, nước chanh, nước dừa, nước Oresol, nước sôi để nguội. Khi trẻ sốt cao ≥ 39,50C cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt được lựa chọn là Paracetamol, liều dùng từ 10 - 15mg/kg cân nặng/lần mỗi 4 - 6 giờ. Cần lưu ý không cho trẻ uống thuốc hạ sốt khác như Aspirin (Acetyl Salisylic Acid), Analgin, Ibuprofen vì có thể làm cho trẻ bị xuất huyết thêm. Ngoài ra khi trẻ sốt, cần làm cho trẻ giảm sốt bằng các phương pháp vật lý khác như nới lỏng quần áo, lau mát hạ sốt cho trẻ bằng nước ấm.

Tốt nhất nên đưa đến các cơ sở y tế để trẻ được chẩn đoán và điều trị sớm khi trẻ sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên. Khi chăm sóc trẻ SXH tại nhà, các bà mẹ cần lưu ý phải đưa trẻ vào bệnh viện ngay khi trẻ có các dấu hiệu trở nặng của bệnh SXH như vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu hoặc tiêu phân đen.

Để phòng SXH, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, diệt muỗi bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, phát quang bụi rậm, làm sạch các bình bông, giảm tối đa các vật dụng chứa nước khác như lốp xe cũ, chén cũ… đậy kín các vật dụng chứa nước như lu, vại, dùng thuốc diệt muỗi, cho trẻ ngủ mùng...

ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=569
Quay lên trên