Phòng bệnh viêm gan virus

Cập nhật: 11-09-2015 | 08:41:02

Viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm thường gặp do các virus viêm gan (HepatitisA, HAV; HepatitisB,HBV; HepatitisC, HCV; HepatitisD, HDV; HepatitisE, HEV) gây ra, gọi tắt là viêm gan do virus A, B, C, D, E. Bệnh có đặc điểm lâm sàng chung là tình trạng nhiễm độc nặng làm bệnh nhân mệt mỏi, gan to, vàng da và niêm mạc, hoại tử tế bào gan… Trong đó, virus A và E thâm nhập theo đường tiêu hóa. Virus B, C, D thâm nhập theo đường máu.

Các triệu chứng lâm sàng thường gặp:

Mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa. Đôi khi người bệnh có cảm giác đầy tức bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, đau vùng gan.

Sốt là dấu hiệu thường gặp, thường sốt nhẹ, kéo dài nhưng ít được người bệnh để ý.

Gầy sụt cân, có khi sụt đến 10% trọng lượng cơ thể. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại cho người bệnh.

Vàng da, thường là vàng da nhẹ kín đáo tự hết dù không điều trị và thỉnh thoảng lại tái xuất hiện. Trong một số ít trường hợp vàng da đậm, đây chính là dấu hiệu tiên lượng nặng của bệnh.

Một số biểu hiện khác: Đau xương khớp, thay đổi màu da và niêm mạc như sạm da, khô da, ban đỏ, giãn mạch dưới da, trứng cá, mề đay, vảy nến…

Tiến triển và biến chứng của viêm gan virus: Tùy loại virus gây viêm gan mà bệnh có thể có những tiến triển và biến chứng khác nhau. Các loại virus có thể gây nên biến chứng viêm đường mật, viêm gan ác tính... Viêm gan do HEV ở phụ nữ có thai dễ dẫn đến viêm gan ác tính và tử vong cao. Viêm gan do HBV, HCV và bội nhiễm HDV ở người mang HBsAg mạn tính dễ dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư tế bào gan (HCC).

Điều trị chung:

Hiện nay, bệnh viêm gan virus vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Có một số thuốc kháng virus đã được áp dụng cho phác đồ điều trị viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV), nhưng hiệu quả chưa cao.

Nguyên tắc điều trị chung là người bệnh cần được nghỉ ngơi, chế độ ăn giảm mỡ động vật, hạn chế thức ăn chiên, xào. Ăn nhiều rau, quả tươi. Hạn chế sử dụng rượu, bia, các loại thuốc, hóa chất gây độc hại cho gan. Đối với người thừa cân - béo phì (BMI > 25) cần có chế độ ăn giảm cân.

Phòng bệnh:

Tiêm vacxin phòng bệnh viêm gan A và viêm gan B (nếu chưa nhiễm); các bệnh viêm gan do virus khác (HDV, HEV…) hiện chưa có vacxin phòng bệnh.

Đối với virus viêm gan lây theo đường tiêu hóa (HAV và HEV) cần giữ vệ sinh khi ăn uống để tránh lây lan trong cộng đồng.

Đối với các virus viêm gan lây theo đường máu (HBV, HCV, HDV) cần phải bảo đảm khử trùng tốt các dụng cụ tiêm truyền, phẫu thuật. Sử dụng máu và các chế phẩm của máu cần được kiểm tra chặt chẽ để loại trừ các virus viêm gan. Không dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng; quan hệ tình dục an toàn.

DS. NGUYỄN THỊ GIANG NHUNG (Trung tâm TTGDSSK)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên