Phòng, chống một số bệnh không lây nhiễm: Vẫn còn khó khăn

Cập nhật: 08-10-2019 | 08:34:36

 Những năm gần đây, các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp… đang có xu hướng gia tăng và là nguyên nhân dẫn đến cái chết cho khoảng 73% tổng số người chết mỗi năm. Cùng với việc phòng, chống (PC) các bệnh lây nhiễm, công tác PC các bệnh không lây nhiễm cũng được quan tâm, triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Tại Bình Dương, nhiều hoạt động, dự án PC bệnh không lây nhiễm đã triển khai, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều khó khăn...

Nhân viên y tế tư vấn cho người dân về bệnh tăng huyết áp tại Trung tâm Y tế TX.Thuận An

Nhiều hoạt động đã triển khai

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến nay 9/9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện 5 chương trình, dự án PC bệnh không lây, gồm: Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em; PC bệnh đái tháo đường; PC các bệnh tim mạch; PC bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; PC ung thư cộng đồng.

Để triển khai các hoạt động, trong thời gian qua, ngành y tế đã xây dựng mạng lưới chuyên trách PC từng loại bệnh không lây cho các tuyến, từ tỉnh đến xã (riêng hoạt động PC bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản mới xây dựng đến tuyến huyện). Ngoài ra, ngành y tế các địa phương cũng đã xây dựng các phòng quản lý tư vấn hoặc tương đương cho các loại bệnh, phục vụ cho bệnh nhân chủ động đến khám sàng lọc. Thông qua các phương tiện truyền thông, hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cũng được quan tâm thực hiện hàng năm. Việc làm này không chỉ nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe, mà còn giúp người dân chủ động hơn trong việc PC bệnh và khám phát hiện sớm khi có bệnh.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Bác sĩ Khổng Thị Oanh, phụ trách Khoa PC bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết trong thời gian qua hoạt động PC một số bệnh không lây trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của tỉnh, Sở Y tế và sự phối hợp nhiệt tình của chuyên trách các tuyến. Nguồn kinh phí được cấp từ địa phương cho các hoạt động PC các bệnh không lây nhiễm luôn bảo đảm, kể cả khi nguồn kinh phí Trung ương không có. Phần lớn mạng lưới PC các bệnh không lây nhiễm được xây dựng từ tuyến tỉnh đến tuyến xã.. .

Bên cạnh những mặt thuận lợi, công tác PC các bệnh không lây nhiễm trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, như sự gia tăng dân số cơ học cao là áp lực rất lớn cho hệ thống y tế nói chung và việc quản lý đối tượng bệnh không lây nhiễm nói riêng. Ở tuyến tỉnh, các bác sĩ y học dự phòng không được cấp chứng chỉ hành nghề nên không đủ điều kiện để khám, điều trị các bệnh không lây nhiễm và không được hướng dẫn điều trị, điều chỉnh thuốc cho tuyến y tế cơ sở...

Tại buổi làm việc của đoàn giám sát Bộ Y tế với ngành y tế Bình Dương về vấn đề này, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã nêu lên những khó khăn trong triển khai các hoạt động, dự án PC bệnh không lây nhiễm mà địa phương đang gặp phải, như thiếu nhân lực lại phải kiêm nhiệm nhiều chương trình, hệ thống phần mềm quản lý bệnh nhân không triển khai được, trình độ cán bộ phụ trách các chương trình còn hạn chế, không đủ thuốc...

Bác sĩ Nguyễn Văn Chay, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Tân Uyên, cho rằng các cán bộ y tế phụ trách các hoạt động, dự án PC bệnh không lây ở cơ sở còn thiếu và yếu. Các chương trình chủ yếu lồng ghép và bác sĩ phụ trách ở Trung tâm Y tế là bác sĩ đa khoa, còn ở trạm là y sĩ, nhưng thường làm được một, hai năm là bắt đầu “rút lui” nên người phụ trách chương trình bị thay đổi liên tục. Do đó, muốn làm tốt chương trình phải giải quyết được vấn đề nhân lực, nếu thiếu nhân lực thì rất khó có thể triển khai hiệu quả các hoạt động, dự án.

Bình Dương là tỉnh rất quan tâm đến công tác chỉ đạo và đầu tư kinh phí cho các chương trình, dự án PC bệnh không lây nhiễm. Bước đầu, các chương trình, dự án đã mang lại kết quả nhất định. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả cao hơn, ngành y tế cần củng cố, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo các chương trình; công tác truyền thông để nâng cao hiệu quả các chương trình cũng cần được quan tâm, lồng ghép tổ chức. Ngoài việc đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác này, ngành y tế cần tính toán để có đủ nhân lực phục vụ, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở.

Về PC bệnh đái tháo đường, trong 6 tháng năm 2019, số bệnh nhân cần quản lý là 12.133 người, tỷ lệ bệnh nhân tiền đái tháo đường được quản lý đạt 59,2%; bệnh nhân đái tháo đường được quản lý đạt 48,9%. Về hoạt động PC các bệnh tim mạch, trong 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp được quản lý đạt 63%; tỷ lệ bệnh nhân được điều trị đúng phác đồ đạt 57,5%. Về hoạt động PC bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, trong 6 tháng đầu năm 2019 toàn tỉnh có 806 bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 892 bệnh hen phế quản mới phát hiện và quản lý điều trị...

CẨM LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=677
Quay lên trên