Phòng chống sốt xuất huyết: Cần sự chung tay, góp sức của nhiều người

Cập nhật: 09-07-2018 | 17:29:08

So với cùng kỳ, tình hình sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm có giảm. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, ngành y tế đã tiến hành xác minh và tổ chức phun thuốc dập dịch. Theo các cán bộ y tế, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, để phòng chống SXH hiệu quả cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và ý thức tự giác của người dân...

Số ca SXH giảm

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, khẳng định tình hình SXH trên địa bàn tỉnh hiện nay giảm so với cùng kỳ. Những năm trước, đến tháng 6 là cao điểm SXH nhưng năm nay diễn biến bệnh SXH cũng bình thường. Mặc dù giảm, nhưng công tác điều tra, giám sát, xử lý ổ dịch vẫn được ngành y tế thực hiện thường xuyên. Nhờ đó, ngành đã chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch. “Tình hình SXH trên địa bàn tỉnh giảm là do năm nay ngành y tế đã phối hợp với các địa phương thực hiện tốt chiến dịch tổng vệ sinh môi trường kỹ hơn những năm trước, đặc biệt là công tác truyền thông nâng cao ý thức người dân, chủ động thực hiện phòng chống, xử lý các ổ nguy cơ... Nhờ đó, SXH năm nay đã giảm hơn năm trước rất nhiều”, bác sĩ Hà cho biết.


Phun thuốc dập dịch ở khu nhà trọ trên địa bàn khu phố 6, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một

Thời tiết lúc nắng, lúc mưa và ẩm ướt như hiện nay là điều kiện để muỗi sinh sản, phát triển. Dù ở một vài phường tình hình SXH được ghi nhận trong những tuần gần đây có nhiều hơn trước, nhưng số liệu thống kê cho thấy, ca bệnh SXH được ghi nhận trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một vẫn giảm nhiều so với cùng kỳ. Ông Châu Ngọc Minh, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một, cho biết thống kê từ ngày 1 đến 30-6, toàn thành phố ghi nhận 325 ca SXH, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2017. Hầu hết các phường đều có SXH, trong đó cao nhất là ở phường Phú Hòa với 60 ca, phường Hiệp Thành 40 ca, phường Phú Lợi 35 ca… Vì sao một số phường lại có sự tăng cao như vậy, theo ông Châu, đó là do công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế. Ở một số phường, nhiều nơi nước còn ứ đọng (như bãi rác ở khu phố 9, phường Phú Hòa), cây cối mọc hoang trên những bãi đất trống… Đây là những nơi thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Theo bà Ngô Thị Vui, cán bộ y tế phụ trách phòng chống dịch bệnh phường Phú Hòa, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn phường đã ghi nhận 83 ca SXH, trong đó xuất hiện nhiều nhất là ở khu 7 và khu 9. Ngoài chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, ngành y tế địa phương còn tuyên truyền trên loa đài, lồng ghép trong các cuộc họp tổ dân phố, phát tờ rơi phòng chống SXH đến tận nhà dân.

Người dân cần hợp tác để phòng chống

Theo chân Đội phòng chống dịch Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một, chúng tôi đến khu phố 6, phường Phú Mỹ để phun thuốc dập dịch. Tại đây, trong vòng 3 tuần (từ 28-5 đến 24-6-2018) đã ghi nhận có 11 ca SXH. Khi đoàn đến phun thuốc ở một khu nhà trọ, đã ghi nhận thêm 2 ca SXH em bé. Mặc dù SXH đang xuất hiện rất nhiều nơi đây, nhưng một vài phòng trọ vẫn không chịu mở cửa để cán bộ y tế phun thuốc dập dịch. Cán bộ khu phố đã phối hợp với chủ nhà trọ vận động họ mở cửa để phun thuốc diệt muỗi, bảo đảm sức khỏe cho bản thân họ và cộng đồng trước dịch bệnh. Bà Phan Thị Lan, phụ trách y tế khu phố 6 bày tỏ: “Việc người dân không mở cửa để cán bộ y tế phun thuốc dập dịch vẫn xảy ra thường xuyên. Chúng tôi phải phối hợp với Ban điều hành khu phố, chủ nhà trọ tuyên truyền, vận động để họ hợp tác…”. Anh Trần Hoàng Phương, cán bộ khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một, cho biết theo quy định, trong vòng 1 tháng xuất hiện từ 3 ổ dịch trở lên thì sẽ tổ chức phun thuốc dập dịch. Anh Phương nói: “Phun thuốc dập dịch sẽ diệt được muỗi, khống chế được nguồn lây trong cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều khi chúng tôi đến phun thuốc, người dân đã không chịu mở cửa nhà, không hợp tác với cán bộ y tế để phun thuốc. Như vậy, muỗi sẽ trú ẩn trong những nhà không mở cửa này. Đây chính là nguồn lây SXH sau đó. Để phòng chống SXH, người dân cần tạo điều kiện để cán bộ y tế tổ chức phun thuốc diệt muỗi dập dịch, cắt đứt nguồn lây bệnh trong cộng đồng…”.

Theo ông Châu Ngọc Minh, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm y tế TP.Thủ Dầu Một, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, công tác vệ sinh môi trường phòng chống SXH cần sự chung tay của chính quyền địa phương, đặc biệt là chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể cùng tham gia phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường trên địa bàn sạch sẽ… “Một điều quan trọng trong công tác phòng chống SXH đó là ý thức tự giác của người dân. “Ở đâu có lăng quăng, ở đó có SXH”, nếu người dân quan tâm thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi thường xuyên trong mỗi gia đình thì sẽ hạn chế được nguồn bệnh. Ngược lại, nếu họ không có ý thức tự giác, muỗi sẽ có điều kiện sinh sản, phát triển và SXH sẽ xuất hiện”.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=653
Quay lên trên