Phòng ngừa dịch tả heo châu Phi: Ngành nông nghiệp vào cuộc sớm

Cập nhật: 07-03-2019 | 07:59:07

Xác định phòng bệnh hơn chữa bệnh, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

 

 Cán bộ thú y đang sát trùng xe chở heo vào địa phận Bình Dương. Ảnh: KHÁNH VINH

- Thưa ông, công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi đã được tỉnh triển khai như thế nào?

- Từ cuối năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động ứng phó với bệnh dịch tả heo châu Phi (Kế hoạch số 6089/KH-UBND). Kế hoạch đưa ra các hành động cụ thể ứng với 2 tình huống chưa xảy ra và đã xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi, để từ đó chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với nguy cơ xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định tỉnh Bình Dương đã chủ động, tích cực trong công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Đối với ngành nông nghiệp tỉnh, đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn chặn sự thâm nhập của dịch tả heo châu Phi. Ngành cũng đề nghị người chăn nuôi cần mua giống có nguồn gốc, thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh; có các biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác...

Ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát vận chuyển heo. Nếu phát hiện heo có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc thì đơn vị kiểm tra cần tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để kiểm soát mầm bệnh dịch tả heo châu Phi vào Bình Dương…

- Công tác thông tin về tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi đến hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã được chi cục thực hiện như thế nào, thưa ông? Theo ông, việc phòng ngừa dịch tả heo châu Phi tại địa phương có những thuận lợi và khó khăn gì?

Thực hiện Kế hoạch 6089/ KH-UBND của UBND tỉnh, tỉnh đã tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin tình hình dịch bệnh, kinh nghiệm phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Sau hội thảo, cơ quan chức năng phối hợp với Đài Phát thanh- Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương, Thông tấn xã Việt Nam tăng cường tuyên truyền các thông tin chính thức về tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi và các giải pháp phòng bệnh cụ thể. Bên cạnh đó, ngành thú y đã chủ động rà soát lại tình hình chăn nuôi heo ở địa phương, giám sát chặt chẽ, kịp thời, chính xác và đầy đủ thông tin các trường hợp vận chuyển heo từ các tỉnh khác vào địa phương (trong đó lưu ý các tỉnh giáp ranh, tỉnh có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi).

“Mặc dù dịch tả heo châu Phi hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, nhưng dịch tả này không lây sang người”

Thuận lợi lớn nhất của địa phương hiện nay là việc nuôi heo tại các trang trại có quy mô chiếm đến 80%; kiến thức, ý thức phòng ngừa, chấp hành quy trình kỹ thuật an toàn sinh học của các chủ trang trại rất cao nên rất thuận lợi để phòng ngừa dịch bệnh, dịch tả lây lan tại địa phương. Còn về khó khăn đối với các cơ quan chức năng, địa phương trong công tác phòng ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi nằm ở số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh. Bình Dương là tỉnh công nghiệp với nhiều công ty và bếp ăn tập thể, người chăn nuôi heo thường tận dụng nguồn thức ăn thừa từ các bếp ăn công ty để nuôi heo. Tuy nhiên, đây là con đường có nguy cơ lây nhiễm nguồn bệnh rất lớn vì virus dịch tả heo châu Phi vẫn có khả năng ký sinh qua thức ăn sơ chế. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo các hộ chăn nuôi không nên sử dụng nguồn thức ăn thừa và kiểm soát chặt chẽ các thương lái mua heo.

- Bình Dương nằm tiếp giáp với nhiều tỉnh, thành. Vậy, chúng ta có nên lập thêm điểm kiểm dịch tại các cửa ngõ tiếp giáp các địa phương để ngăn ngừa dịch tả heo châu Phi từ các địa phương khác không, thưa ông?

- Tôi cho rằng việc lập thêm các trạm, chốt kiểm dịch để kiểm soát dịch bệnh từ các địa phương hiệu quả sẽ không cao, vì Bình Dương nằm tiếp giáp rất nhiều cửa ngõ, địa phương thì khó có thể lập được hết các trạm, chốt kiểm dịch. Hiện nay, đội kiểm tra liên ngành từ tuyến tỉnh, tuyến huyện đã và đang tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển gia súc nhập vào tỉnh để chăn nuôi, giết mổ. Theo tôi, việc tăng cường kiểm soát từ các ngành chức năng sẽ phát huy hiệu quả hơn.

- Trên cương vị là Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, ông có khuyến cáo gì đến người dân trước thông tin dịch tả heo châu Phi đang lan rộng?

- Mặc dù dịch tả heo châu Phi có thể gây chết 100% đàn heo nếu mắc phải, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, không có khái niệm chữa trị, nếu mắc bệnh chỉ còn cách tiêu hủy heo bị mắc bệnh nhưng dịch tả heo châu Phi không lây sang người. Chính vì thế, người dân có thể yên tâm sử dụng các sản phẩm thịt heo bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, không nên quay lưng với sản phẩm thịt heo.

Người dân cần nắm thông tin dịch bệnh từ các cơ quan chức năng, từ nguồn thông tin chính thống. Đặc biệt, mọi người không lan truyền những thông tin không rõ ràng, làm ảnh hưởng, hoang mang dư luận.

- Xin cảm ơn ông!

TIỂU MY (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên