Là huyện nông nghiệp, với cây trồng chủ lực chính là cao su và chăn nuôi, những tác động của thị trường ảnh hưởng cực kỳ lớn đến sự phát triển của kinh tế Phú Giáo, đặc biệt là trong thời gian qua, tình hình giá mủ cao su vẫn chưa có những dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, bằng những giải pháp phù hợp và những chính sách quyết liệt của Đảng, chính quyền các cấp; nông nghiệp Phú Giáo vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và đạt các chỉ tiêu đề ra.
Giá trị tăng cao
Trong bối cảnh kinh tế nông nghiệp của cả nước chịu tác động tiêu cực, mà theo Tổng cục Thống kê công bố tình hình sản xuất nông nghiệp cả nước “lần đầu tiên tăng trưởng âm”, bởi sự tác động của hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Tây nguyên; thì những kết quả mà nông nghiệp Phú Giáo đạt được lại càng cho thấy kinh tế Phú Giáo nói chung, kinh tế nông nghiệp của huyện nói riêng đang ngày càng phục hồi và tăng trưởng ổn định. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2016, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp toàn huyện đạt hơn 2.374 tỷ đồng; bằng 66,78% kế hoạch năm và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Nông nghiệp Phú Giáo phát triển ổn định trong bối cảnh ngành nông nghiệp cả nước gặp nhiều khó khăn, bất lợi. Trong ảnh: Nông dân Phú Giáo với mô hình rau an toàn cho thu nhập khá. Ảnh: H.PHƯƠNG
Riêng giá trị thu từ nông, lâm nghiệp và thủy sản của các trang trại trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện đạt hơn 1.330 tỷ đồng; giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm, thủy sản bán ra đạt hơn 1.325 tỷ đồng. Cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt; trong đó chăn nuôi chiếm 30,1% và trồng trọt chiếm 69,9%, tăng và giảm 0,3% so với đầu năm 2015.
Tổng diện tích gieo trồng của Phú Giáo hiện đạt hơn 40.770 ha; trong đó diện tích trồng cây hàng năm đạt 2.850,53 ha, giảm 6,45 ha so với cùng kỳ; diện tích cây lâu năm chiếm hơn 37.922 ha, tăng 1.044,76 ha, trong đó diện tích cây cao su hơn 36.249 ha, tăng 998,9 ha, diện tích cao su cho sản phẩm hơn 29.615 ha, sản lượng ước đạt hơn 39.622 tấn; diện tích cây điều hơn 641 ha, tăng 45 ha; diện tích cây tiêu hơn 352 ha, tăng 3 ha. Diện tích cây lâu năm biến động mạnh trên địa bàn xã An Thái, với tổng diện tích tăng hơn 998 ha cây cao su.
Tổng đàn chăn nuôi trên địa bàn huyện trong 9 tháng đầu năm tương đối ổn định theo hướng phát triển và tăng nhanh với 1,8 tỷ con. Trong đó, đàn heo hơn 165.000 con, tăng 40,97% so với cùng kỳ, với sản lượng thịt xuất chuồng đạt hơn 23.000 tấn; đàn bò gần 3.150 con, tăng 53,61%; đàn trâu 635 con tăng 16,98%; đàn gia cầm 1,6 tỷ con, tăng 24,28% so với cùng kỳ.
Tiếp tục phát triển
Công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi được UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Huyện đã chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, khuyến cáo và hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, huyện còn tổ chức được 48 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; 18 điểm IPM cộng đồng về phương pháp quản lý dịch hại trên cây trồng các loại.
So với cùng kỳ, diện tích cây trồng bị nhiễm bệnh giảm mạnh, riêng cây cao su diện tích bị bệnh giảm 1.982 ha, còn 262 ha bị nhiễm bệnh; trong đó giảm diện tích bị bệnh vàng lá do nấm Corynespora là chủ yếu, với diện tích bị nhiễm bệnh khoảng 95 ha, mức độ nhiễm bệnh từ 10 - 20%. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi trên địa bàn huyện cũng được kiểm soát tốt, không có dịch bệnh xảy ra, từng bước phát triển theo hướng an toàn dịch bệnh; tỷ lệ tiêm phòng đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Huyện cũng thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật ra vào huyện. Qua đó, vào lúc 15 giờ ngày 11-8-2016 đã phát hiện trên địa bàn xã Tân Long có một phương tiện chở 22 con heo con đã chết, với trọng lượng khoảng 230kg, có mùi hôi thối. Ngành chức năng đã tịch thu, tiêu hủy toàn bộ 22 con heo trên bằng cách đào hố chôn, xử lý vôi và hóa chất tiêu độc, sát trùng toàn bộ khu chôn lấp và xử phạt vi phạm hành chính cá nhân người vi phạm số tiền 3,5 triệu đồng.
Dù đã đạt được những thành quả bước đầu nhưng trong những tháng còn lại của năm, ngành nông nghiệp Phú Giáo vẫn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi để tiếp tục hát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế. Theo đó, huyện sẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp đột phá, trong quá trình phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế địa phương trong thời gian tới nhằm tạo nền tảng cơ bản để Huyện ủy, UBND huyện xây dựng những chiến lược phát triển phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn của địa phương, đưa Phú Giáo từng bước đi lên vững chắc, xây dựng Phú Giáo trở thành huyện nông thôn mới phát triển bền vững, có nền nông nghiệp kỹ thuật công nghệ cao trong tương lai.
HẢI SÂM