Số liệu thống kê cho biết, tổng lưu lượng nước thải công nghiệp và đô thị trên địa bàn tỉnh khoảng 470.000m3/ngày, trong đó nước thải công nghiệp khoảng 170.000m3/ngày, nước thải đô thị khoảng 300.000m3/ngày. Cho nên, quản lý chất lượng nước thải của các nguồn thải công nghiệp và đô thị là một trong những nhiệm vụ khó khăn và phức tạp trong công tác quản lý môi trường hiện nay...
Trung tâm Quan trắc TN&MT kiểm tra lắp đặt trạm quan trắc nước dưới đất
Hiệu quả từ lắp đặt hệ thống…
Nhằm kiểm soát các nguồn thải công nghiệp một cách có hệ thống, Bình Dương đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động giai đoạn 1, đồng thời xây dựng Trạm điều hành trung tâm đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Việc đưa hệ thống quan trắc tự động giai đoạn 1 đi vào hoạt động đã giúp Bình Dương giám sát được tình hình vận hành hệ thống xử lý nước thải của 21 chủ nguồn thải, kiểm soát liên tục chất lượng nước thải của 6 khu công nghiệp với lưu lượng hơn 30.000m3/ngày, chiếm gần 25% tổng lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh (thời điểm năm 2011).
Thấy được hiệu quả của giai đoạn 1, Bình Dương tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (2012-2015); cụ thể đã đầu tư 38 tỷ đồng lắp đặt 3 trạm quan trắc nước mặt và 3 trạm quan trắc nước dưới đất tự động; lắp đặt hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động cho 31 nguồn thải là các khu cụm công nghiệp mới, các nguồn thải có lưu lượng 1.000m3/ngày trở lên, các nguồn thải đặc thù như thuộc ngành nghề ô nhiễm cao, thường xuyên bị khiếu nại về môi trường. Các nguồn thải này cũng đã tự đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động theo quy định, hướng dẫn của tỉnh và kết nối về Sở TN&MT.
Quản lý chất lượng nước thải đi vào nề nếp
Vào cuối năm 2016, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Bình Dương đã sửa đổi Quy định bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó quy định lại các đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động (mở rộng xuống các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 500m3/ngày trở lên đều phải lắp đặt) và quy định việc lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngành TN&MT đã kiểm tra, hướng dẫn các đối tượng và đến nay, toàn tỉnh có 88 nguồn thải đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động; có 5 doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động.
Hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động cùng hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác kiểm soát ô nhiễm nói riêng và công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, hệ thống đã kiểm soát liên tục chất lượng nước thải của hơn 80% tổng lượng nước thải công nghiệp và gần 30% tổng lượng nước thải đô thị; giúp ngành TN&MT có thể lấy mẫu phân tích nước thải tại những thời điểm các chủ nguồn thải không vận hành hệ thống xử lý hoặc xả lén nước thải ra ngoài môi trường, làm cơ sở pháp lý để xử lý các chủ nguồn thải vi phạm BVMT. Thông qua hệ thống quan trắc tự động, năm 2018, Bình Dương đã phát hiện và xử lý 13 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 14,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống quan trắc tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu nước thải tự động đã góp phần nâng cao nhận thức về BVMT cho các chủ nguồn thải lớn. Từ khi lắp đặt các thiết bị giám sát, chủ các nguồn thải nhất là chủ đầu tư các khu công nghiệp đã chú trọng hơn công tác vận hành hệ thống xử lý nước, tình trạng xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường cơ bản đã được khắc phục. Kết quả quan trắc cho thấy số nguồn thải thường xuyên xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường trước đây khoảng 40 - 50% và hiện nay đạt trên 90%. Không chỉ mang lại hiệu quả về môi trường mà về kinh tế, hệ thống quan trắc tự động còn làm giảm chi phí nhân lực cũng như vật lực trong quá trình thanh, kiểm tra.
Phải khẳng định rằng, trong quá trình quản lý chất lượng nước thải của các nguồn thải dù gặp phải một số khó khăn, nhưng hiệu quả mang lại rất rõ. Để công tác quản lý môi trường, nhất là quản lý chất lượng nước thải của các nguồn thải ngày càng đi vào nề nếp, Sở TN&MT cho biết thời gian tới, một mặt sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến việc quy định đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, trong đó đặc biệt lưu ý đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động phải dựa trên công suất thiết kế theo như báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng thời mở rộng đối tượng phải lắp đặt là các lò đốt chất thải, các lò dầu tải nhiệt có công suất lớn.
Mặt khác, sở sẽ nghiên cứu xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh theo hướng đơn giản hơn, dễ hiểu hơn để doanh nghiệp dễ thực hiện; đồng thời, hoàn chỉnh hệ thống phần mềm để kết nối dữ liệu quan trắc tự động của tỉnh về Trung ương trên cơ sở đồng bộ cấu hình phần mềm đang sử dụng để không mất dữ liệu đang lưu giữ tại trạm điều hành trung tâm.
P.V