Với dung tích chứa 1,58 tỷ m3 nước nhằm cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo, khoáng sản cho các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bình Phước và TP.Hồ Chí Minh, từ năm 2016 đến nay, việc khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng diễn biến phức tạp, mặc dù Bình Dương luôn phối hợp kiểm tra, xử lý, nhưng thực trạng này vẫn có những nỗi lo... nên rất cần có sự phối hợp từ nhiều phía...
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra các bến bãi
Số lượt kiểm tra, xử lý… tăng
Vận hành, khai thác từ năm 1985, hồ chứa nước Dầu Tiếng là hệ thống thủy nông có quy mô lớn, nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, diện tích lưu vực 27.000 ha thuộc phạm vi 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Với dung tích chứa 1,58 tỷ m3 nước, hồ Dầu Tiếng cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bình Phước và TP.Hồ Chí Minh; du lịch sinh thái; năng lượng tái tạo; khoáng sản… Qua điều tra cơ bản cho thấy trữ lượng cát trong hồ khá lớn, với khoảng 32 triệu m3, phân bố chủ yếu trên các nhánh suối, rạch đổ ra sông Sài Gòn, nên lòng hồ bị bồi lấp nhiều. Hoạt động khai thác cát trước đây chủ yếu do một số hộ dân sống ven hồ thực hiện, khai thác bằng phương pháp thủ công nên không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nước hồ. Tuy nhiên, gần đây do nhu cầu cát xây dựng tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã xin phép khai thác cát trong lòng hồ và khai thác với quy mô lớn nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ.
Mặc dù cơ quan chức năng nhắc nhở các bến thủy nội địa trên địa bàn xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng tạm ngưng nhưng chủ bến bãi vẫn ngang nhiên hoạt động
Theo Quy hoạch khoáng sản của tỉnh giai đoạn 2016-2020 tầm nhìn 2030 thì trong lòng hồ Dầu Tiếng, Bình Dương có 7 điểm mỏ thăm dò, khai thác cát xây dựng với tổng diện tích 311,9 ha. Từ năm 2009 đến 2012, UBND tỉnh đã cấp phép cho 2 đơn vị thăm dò, khai thác khoáng sản cát xây dựng trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng với trữ lượng được cấp phép khai thác là 1,45 triệu m3, công suất khai thác 248.000m3/năm. Từ năm 2014 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra 5 đợt theo định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường. Kết quả cho thấy, các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý về khoáng sản, đất đai, môi trường, bến bãi, có đăng ký phương tiện khai thác. Cùng đó, Công an tỉnh và UBND huyện Dầu Tiếng cũng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xử lý việc khai thác cát không phép, phương tiện khai thác, bến bãi tập kết kinh doanh cát với 132 lượt, phát hiện 93 trường hợp vi phạm, xử lý 45 trường hợp với số tiền phạt là 3,8 tỷ đồng, tịch thu 43,45m3 cát…
Bến bãi, phương tiện khai thác cũng tăng
Đánh giá thực trạng khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng, ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản và Khí tượng thủy văn Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết từ năm 2016 trở lại đây, nhất là từ khi Chính phủ có văn bản tạm dừng nạo vét cát trên sông, hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng ngày càng diễn biến phức tạp. Các cửa sông, cửa suối bên Tây Ninh thì có cát khai thác, nhưng hoạt động bến bãi thì hạn chế bởi đường đê xuống cấp do phương tiện vận chuyển cát nhiều. Thấy vậy, bên Bình Dương các bến bãi kinh doanh cát tự mở, sau đó xin giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Con số thống kê chưa đầy đủ, hồ Dầu Tiếng có khoảng 194 tàu thuyền đủ loại, đủ công suất đang hoạt động khai thác cát cả ngày lẫn đêm rất khó kiểm soát. Một số người dân sống gần hồ cho biết trước đây vào tháng này, nước hồ trong veo, nhưng nay thì bị đục, bởi hoạt động khai thác cát cùng với tàu thuyền đi lại nhiều. Rõ ràng, chất lượng nước hồ đã không còn như xưa.
Để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, trung tuần tháng 7 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động của các bến bãi tập kết, kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra 21 bến bãi tập kết, kinh doanh cát, có 6 bến bãi tập kết, kinh doanh cát cógắn với giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng, trong đó 2 bến gắn với giấy phép khai thác hiện hữu, còn hiệu lực đến tháng 2-2020; 3 bến gắn với giấy phép khai thác đã hết hiệu lực từnăm 2015, đang làm thủ tục xin phép lại; 1 bến mới mở, chưa hoạt động gắn với giấy phép đang thẩm định, xem xét cấp phép khai thác. Các bến bãi này cơ bản thực hiện đúng các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường, hoạt động bến thủy nội địa và kê khai các loại thuế, phí. Có 15 bến bãi tập kết, kinh doanh cát đều có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có 13 bến có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; 2 bến không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Các bến này hoạt động tập kết, kinh doanh cát thông qua các hợp đồng gia công, mua bán với các đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản (chủ yếu bên Tây Ninh).
Ông Tân cho biết thêm, hoạt động kinh doanh, vận chuyển cát có chiều hướng tăng dần, do nhu cầu sử dụng cát xây dựng ngày càng cao, điều kiện đăng ký kinh doanh dễ dàng nên nhiều hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất ven hồ đã đăng ký cơ sở kinh doanh cát. Sau khi có giấy đăng ký kinh doanh đã tự mở bến bãi hoặc cho thuê đất để các tổ chức, cá nhân khác mở bến bãi tập kết, kinh doanh cát. Do bến bãi mở nhiều dẫn đến gây áp lực lớn cho giao thông đường bô,̣ đặc biệt là những đường giao thông nông thôn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Mặt khác, hoạt động tập kết, mua bán cát không rõ ràng nên không kiểm soát được sản lượng khai thác dẫn đến thất thu các nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản.
Cần sự phối hợp từ nhiều phía
Nhằm đưa hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trong hồ Dầu Tiếng đi vào nề nếp, bảo đảm an toàn hồ chứa, an ninh nguồn nước, theo ông Tân, một trong những giải pháp có tính quyết định đó là cần sự phối hợp từ nhiều phía, cụ thể phải có sự thống nhất giữa UBND hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh yêu cầu các đơn vị kinh doanh xóa bỏ hết hợp đồng khai thác cát, bởi theo quy định là trái luật, không hợp pháp. Bên cạnh đó, về phía Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 357/TB-VPCP ngày 6-11-2015 và Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 24-3-2017 của Chính phủ về tăng cường quản lý cát sỏi; đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành và địa phương trong hoạt động tham mưu cấp giấy phép các loại về khai thác khoáng sản đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trên địa bàn, xử lý nghiêm các sai phạm; rà soát lại công suất các tàu thuyền đã đăng ký khai thác, điều chỉnh số lượng tàu thuyền cho phù hợp với công suất khai thác theo thiết kế.
Đối với các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác cát trong phạm vi hồ Dầu Tiếng, như tàu thuyền đã được đăng ký phải được gắn logo đồng bộ mang đầy đủ thông tin tên doanh nghiệp, số hiệu, lắp đặt thiết bị định vị tọa độ khai thác, trên tàu thuyền phải có đầy đủ các loại giấy tờ cho phép hoạt động trong mỏ, được đóng thành tập và có dấu xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường về thành phần hồ sơ để thuận tiện cho các cơ quan chức năng khi kiểm soát trên hồ; lắp đặt trạm cân, lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định.
Với sự quyết liệt vào cuộc từ nhiều phía, tin rằng việc quản lý hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng chắc chắn sẽ được chấn chỉnh, nề nếp hơn.
P.V