Trong cuộc họp về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) mới đây của ngành y tế và cán bộ lãnh đạo 7 huyện, thị xã, thành phố, nhiều ý kiến trao đổi về vấn đề này và việc phải nhanh chóng thông tin cho người dân được biết. Trong đó, ý kiến của ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo được nhiều người đồng tình. Ông Long cho rằng, các đơn vị liên ngành chịu trách nhiệm về vấn đề ATVSTP phải chủ động, có chương trình cụ thể trong giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, bảo đảm khi thực phẩm ra đến thị trường là phải an toàn. “Không thể cứ nay là bún độc, mai lại sữa nghi nhiễm khuẩn rồi đến thịt, cá, rau củ… có vấn đề. Nói đã thu hồi sữa không đạt chuẩn được 90%, vậy còn 10% đang trôi nổi trên thị trường phải làm sao? Lỡ người dân không biết thông tin vẫn mua về dùng? Làm như thế là chưa hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình. Với những doanh nghiệp làm ăn bậy bạ, xem thường sức khỏe người dân, cần đưa ra danh sách cụ thể cho người ta tránh xa ra. Điều này còn bảo vệ, không làm ảnh hưởng những doanh nghiệp làm ăn chân chính” - ông Long chia sẻ.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc nắm thông tin khá chậm trễ từ ngành chức năng. Với lý do, sợ hoang mang dư luận, kết quả chưa chắc chắn, ảnh hưởng đến thị trường… nên người phát ngôn về ATVSTP thường rất đắn đo, không kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí kịp tuyên truyền để giúp người tiêu dùng từ chối thực phẩm thiếu an toàn. Giải quyết được khúc mắc này, quyền của người tiêu dùng được bảo đảm hơn…
Không ai tự bỏ tiền để nhận lấy hậu quả oan ức khi phải ăn thực phẩm bẩn! Nhưng, biết làm gì hơn khi mà thông tin về ATVSTP mù mờ, chậm chạp và thường đến với người tiêu dùng quá chậm trễ? Bữa ăn hàng ngày, hàng giờ luôn nơm nớp “món này có độc không” thì còn gì ngon. Và, hãy luôn nhắc nhau rằng, người tiêu dùng có quyền biết được nơi nào, thực phẩm nào bẩn mà tẩy chay để giữ sức khỏe cho bản thân mình và cứu lấy những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm ăn chân chính.
QUỲNH NHƯ