Sản xuất rau sạch. (Ảnh: JICA Việt Nam)
Ngành hàng rau quả được đánh giá là lĩnh vực có sự tăng trưởng bứt phá nhất trong bức tranh xuất khẩu nông sản năm nay. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vượt qua ngành hàng lúa gạo và cán đích 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015.
“Lính mới” đạt kỷ lục
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nhìn lại bức tranh xuất khẩu nông sản năm nay, trong khi những nhóm hàng nông sản chủ lực liên tiếp gặp khó khăn thì “lính mới” rau quả lại có bước tiến vô cùng ngoạn mục.
“Từ một lĩnh vực chỉ xuất khẩu được vài chục, vài trăm triệu USD nhưng đến nay lĩnh vực rau quả đã vươn lên trên vài tỷ USD là một ‘kỷ lục’vượt bậc. Bình quân chung, tăng trưởng xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến nay khoảng 37%/tháng. Đặc biệt, các sản phẩm rau quả đã lọt vào được nhiều thị trường “khó tính” như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, New Zealand,…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao và ghi nhận.
Ông Cường cũng nêu rõ, trong những năm gần đây nhiều thị trường mở cửa đối với sản phẩm này đồng thời chất lượng rau quả trong nước được nâng cao nên các sản phẩm của Việt Nam đã thâm nhập được nhiều thị trường với số lượng tăng vọt.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho biết, những năm gần đây, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành trái cây liên tục tăng. Riêng năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây đã tăng gấp 10 lần so với năm 2005.
Cụ thể, năm 2005, rau quả Việt Nam đã được xuất khẩu và có mặt ở 36 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt kim ngạch trên 235 triệu USD; đến năm 2015, số thị trường thâm nhập được đã tăng lên hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu hơn 1,8 tỷ USD, tăng 123% so với năm 2014 và tăng 782% so với năm 2005. Vẫn trên đà đi lên, năm 2016, ngành hàng rau quả tiếp tục lọt top ngành hàng đóng góp “tỷ đô” vào kim ngạch xuất khẩu và liên tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Không những thế, trong 11 tháng của năm 2016, tăng trưởng kim ngạch rau quả còn bỏ xa mức tăng trưởng của nhiều nông sản chủ lực khác như hạt điều (17%); hạt tiêu (14%); cao su (6%). Đặc biệt, giá trị kim ngạch rau quả đã vượt qua một số nông sản chủ lực tiếp tục tăng trưởng âm, như mặt hàng gạo giảm 22% và sắn giảm 24%.
“Điều này càng cho thấy sự ấn tượng về tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của rau quả trong bối cảnh nhiều nông sản xuất khẩu gặp khó,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Chinh phục thị trường “khó tính”
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tương lai, xuất khẩu rau quả Việt Nam vẫn còn nhiều triển vọng khi thị trường rau quả chế biến toàn cầu năm 2014 đạt giá trị khoảng 203 tỷ USD và có mức tăng trưởng 7,9%/năm, dự báo thị trường rau quả toàn cầu sẽ đạt 319 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nôngnghiệp và Phát triển Nông thôn) để đạt được triển vọng này, ngành rau quả cần đáp ứng được những đòi khỏi khắt khe của thị trường nhập khẩu. Đồng thời nâng cao giá trị cho trái cây Việt Nam bằng cách thâm nhập các thị trường “khó tính.”
Ông Hoàng Trung cũng cho biết, cuối năm 2016, hàng loạt các thị trường xuất khẩu rau quả tiềm năng đã được mở toang, vì thế vấn đề mở rộng hơn nữa thị phần đối với các sản phẩm có lợi thế ở đây là điều cần tập trung trong thời gian tới.
Thu hoạch thanh long ở Long An. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
“Ngoài những thị trường đã có trước đây như ASEAN, EU, Trung Đông, Trung Quốc, Canada… đến hết năm 2016, các thị trường mới có giá trị xuất khẩu cao, điều kiện nghiêm ngặt đã mở cửa bao gồm Hoa Kỳ (đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng-đỏ, chôm chôm, nhãn và vải); Nhật Bản (nhập thanh long ruột trắng, xoài); Hàn Quốc (nhập thanh long ruột đỏ-trắng, xoài), New Zealand (nhập xoài, thanh long ruột trắng, đỏ)…,” ông Hoàng Trung nêu rõ.
Theo kế hoạch trong năm 2017 và những năm tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục tiến hành đàm phán, mở cửa thêm đối với một số loại trái cây khác như xoài, vú sữa vào Hoa Kỳ, thanh long ruột đỏ, nhãn và vải vào Nhật Bản (dự kiến đầu năm 2017 phía Nhật sẽ chính thức cho phép nhập khẩu thanh long ruột đỏ)…
Ngoài ra một số thị trường khác cũng đang trong quá trình đàm phán như Chi Lê (cho vải, nhãn, bưởi); Australia (cho nhãn, chanh leo, thanh long); Brazil, Argentina, Peru (với các loại quả chôm chôm, nhãn, vải, bưởi, thanh long)…
“Chúng tôi cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Bộ Ngoại giao cần đưa nội dung mở cửa thị trường nông sản của Việt Nam vào các cuộc đàm phán cấp cao trong thời gian tới,” ông Hoàng Trung nhấn mạnh./.
Theo TTXVN