Sau khi nhiều tỉnh công bố dịch cúm gia cầm, Sở Y tế Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng ứng phó với dịch cúm gia cầm, các chủng vi rút từ gia cầm lây sang người.
Ông Huỳnh Thanh Hà (bìa trái) trong chiến dịch kiểm tra vệ sinh tại cộng đồng ở Tân UyênTrước nguy cơ dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người diễn biến phức tạp, gia tăng tại Trung Quốc và có nguy cơ rất lớn xâm nhập vào nước ta đồng thời dịch cúm A/H5N1 đã lan ra ở các tỉnh, Bộ Y tế đã có công điện khẩn về đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do cúm A/ H7N9 và các chủng vi rút từ gia cầm lây sang người. Tại Bình Dương, theo BS Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, sở đã chỉ đạo cụ thể về phòng chống dịch cúm gia cầm. Bên cạnh đó là việc kiểm tra, đôn đốc các cơ sở y tế trực thuộc thực hiện công tác phòng chống dịch tốt nhất để kịp thời ứng phó nếu có dịch.
Trong thời điểm này, các đơn vị trực thuộc đang tích cực, tập trung cho công tác sẵn sàng ứng phó dịch cúm gia cầm. Tăng cường giám sát dịch cúm A/H7N9, cúm A/H10N8, cúm A/H6N1 và cúm A/H5N1 tại cảng Bình Dương cũng như trong cộng đồng. Dịch cúm gia cầm đã lan ra 16 tỉnh: Lào Cai, Nam Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắc Lắc, Khánh Hòa, Phú Yên, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cà Mau... và số người mắc cúm A/H5N1 vẫn tăng lên nên công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm cần được tăng cường hơn nữa. Sở Y tế cũng đã yêu cầu mở rộng việc thu thập các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các bệnh viện đặc biệt các trường hợp có tiền sử đi về từ khu vực có dịch hoặc tiếp xúc với gia cầm; triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, phòng, chống các chủng vi rút cúm lây truyền từ gia cầm sang người, đặc biệt là cúm A/H7N9, cúm A/H10N8, cúm A/H6N1 và cúm A/H5N1 cho người dân, trong đó lưu ý tới các đối tượng là du khách đến các vùng có ổ dịch về nguy cơ mắc bệnh, thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh; khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh và sử dụng các sản phẩm chưa được chế biến hợp vệ sinh. Sở Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành, thực hiện điều tra, ngăn chặn và thu giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để tình trạng buôn bán gia cầm và các sảm phẩm gia cầm không kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt chú ý tại các chợ đầu mối, cửa ngõ vào tỉnh… Xây dựng và triển khai tốt kế hoạch vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ bán gia cầm sống theo hướng dẫn của ngành thú y nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các chủng vi rút cúm gia cầm trong môi trường có thể lây sang người.
Các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố cũng như các bệnh viện Quân đoàn 4, Trung tâm Y tế Cao su Dầu Tiếng, các cơ sở y tế ngoài công lập tổ chức trực cấp cứu 24/24, dự trù đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, dịch truyền, vật tư, phương tiện, trang bị bảo đảm việc thu dung, cách ly điều trị sớm, cấp cứu kịp thời không để xảy ra tử vong. Tổ chức khu vực cách ly phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực theo quy định… Sở Y tế cũng sẽ tổ chức kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó và phòng, chống với dịch cúm gia cầm tại các đơn vị trực thuộc, yêu cầu các đơn vị báo cáo nhanh về các ca viên phổi nặng, các chùm ca bệnh về đường hô hấp tại cộng đồng có liên quan đến các yếu tố dịch tễ nghi ngờ lây nhiễm từ gia cầm…
Ông Huỳnh Thanh Hà cũng nhấn mạnh: “Lo nhất vẫn là tình trạng buôn bán gia cầm lậu qua các biên giới. Nếu không giám sát, xử lý kịp thời, nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm là rất cao. Một vấn đề cũng đáng quan ngại là sau tết lao động tại các tỉnh về Bình Dương làm việc trong đó có rất đông lao động từ những tỉnh đã công bố có dịch. Thêm vào đó là chuyên gia nước ngoài trong đó có người Trung Quốc về nước nghỉ tết nay trở lại làm việc. Thế nên, việc phòng, chống bệnh cúm gia cầm hiện nay rất quan trọng và phải luôn trong tư thế sẵn sàng”.
QUỲNH NHƯ