Sản phẩm OCOP “luồng gió mới” trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: 10-10-2022 | 09:31:26

Huyện Bắc Tân Uyên có thế mạnh phát triển nông nghiệp, có lợi thế về nông sản đặc trưng để xây dựng thành sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) nhằm phát triển, nâng cao giá trị kinh tế. Chương trình OCOP trên địa bàn có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân.

 Sản phẩm cây ăn trái có múi của huyện được xây dựng thành sản phẩm OCOP. Trong ảnh: Quản lý trang trại Việt Thái giới thiệu sản phẩm cam xoàn đạt OCOP 3 sao

 Khai thác tiềm năng, lợi thế

Được thiên nhiên ưu đãi nằm ven dòng sông Bé và sông Đồng Nai, huyện Bắc Tân Uyên có điều kiện phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi như cam, quýt, bưởi. Vùng đất này tập trung nhiều hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp có thương hiệu và thâm niên sản xuất cây ăn trái có múi trên địa bàn tỉnh. Phát huy thế mạnh, huyện đã khai thác các sản phẩm chủ lực, tiếp tục phát triển, đưa các sản phẩm chất lượng trên địa bàn tham gia vào Chương trình OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Theo chân cán bộ địa phương chúng tôi đến tham quan vườn cây ăn trái có múi của trang trại Việt Thái, ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm. Trang trại hình thành từ đầu năm 2001 với diện tích trên 10 ha bao gồm sản phẩm cam sành, cam xoàn và bưởi da xanh. Sau 3 năm xây dựng, trang trại thu hoạch hiệu quả, cho lợi nhuận cao. Nhận thấy Hiếu Liêm có chất đất và nguồn nước phù hợp với sự phát triển của cây ăn trái, ông Phạm Ngọc Minh, chủ trang trại đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, đến nay quy mô đạt gần 40 ha. Trang trại Việt Thái với cây ăn trái có múi đã thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm, đồng thời giải quyết nhu cầu việc làm cho 14 lao động, mức lương đối với lao động nam bình quân 7.500.000 đồng/người/ tháng, lao động nữ 5.500.000 đồng/ người/tháng.

Với tâm huyết tạo ra sản phẩm sạch để phục vụ nhu cầu thị trường, trang trại Việt Thái đã chuyển sang sản xuất theo hướng VietGAP, từng bước hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí xanh - sạch, an toàn cho sức khỏe mọi người. Cùng với đó, trang trại đã và đang phấn đấu để trở thành sản phẩm tiêu biểu của địa phương thông qua việc đưa sản phẩm chủ lực tham gia Chương trình OCOP. Năm 2021, trang trại vinh dự có 2 sản phẩm cam sành và cam xoàn đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2022 trang trại tiếp tục tham gia đánh giá, phân hạng 3 sản phẩm, trong đó nâng hạng sản phẩm cam xoàn từ 3 sao lên 4 sao. Theo ông Phạm Ngọc Minh, các sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên giúp trang trại nâng cao giá trị và vị thế thương hiệu trên thị trường. Việc chú trọng đầu tư cho sản phẩm OCOP vừa mang đến sản phẩm đạt chất lượng cao, vừa có hình thức đẹp, đáp ứng tối ưu nhu cầu người tiêu dùng.

Bên cạnh sản phẩm chủ lực cam, quýt, bưởi, huyện Bắc Tân Uyên cũng tiến hành rà soát các sản phẩm tiềm năng để tham gia Chương trình OCOP, như: Dưa lưới, nấm bào ngư, tinh bột nghệ, cà phê rang xay, hồ tiêu, chả lụa, du lịch sinh thái, muối tiêu lốp... Cùng với đó, huyện xây dựng kế hoạch, hỗ trợ, tư vấn hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm theo tiêu chí OCOP. Chị Lưu Thị Sen, ấp Đồng Sặc, xã Bình Mỹ tâm sự: “Được sự khuyến khích, hỗ trợ của cán bộ địa phương, tôi đã mạnh dạn đưa sản phẩm tinh bột nghệ và cà phê rang xay tham gia sản phẩm OCOP năm 2022. Dù quy mô sản xuất là hộ cá thể nhỏ lẻ, nhưng sản phẩm của gia đình đã được kiểm nghiệm về chất lượng và có giấy đủ điều kiện sản xuất và tham gia chương trình” .

Về Bắc Tân Uyên, dễ dàng nhận thấy các địa phương tích cực “làm OCOP”. Tinh thần chung sức đồng lòng đã khiến cho chương trình tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, cho biết: “Hiện, các nhà vườn trên địa bàn đã ổn định về diện tích sản xuất. Để khuyến khích các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích khi tham gia. Năm 2021, xã có 4 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh đều là cây ăn trái. Năm 2021, các chủ thể tham gia còn ít do chưa hiểu biết về lợi ích cũng như quy trình tham gia. Năm nay, số lượng chủ thể tham gia vượt trội bao gồm 9 chủ thể với 26 sản phẩm, trong đó có 24 sản phẩm cây ăn trái, 1 sản phẩm hồ tiêu, 1 sản phẩm du lịch sinh thái”.

Gia tăng giá trị nông sản địa phương

Thực tế cho thấy, để đạt được sao của Chương trình OCOP, các sản phẩm tham dự phải đáp ứng các tiêu chí, như: Nguồn nguyên liệu lấy tại địa phương, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tạo việc làm cho lao động địa phương, tiềm năng xuất khẩu, khả năng thương mại hóa... Do đó, việc được công nhận sản phẩm OCOP đã tác động không nhỏ tới việc thay đổi tư duy, cách làm trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thương mại - dịch vụ của chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân trên địa bàn huyện. Từ đó, thúc đẩy mở rộng sản xuất, gia tăng giá trị, doanh thu và thị trường tiêu thụ, doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm OCOP đạt sao tăng lên.

“Khi sản phẩm đã được mọi người biết đến và sử dụng, chúng tôi sẽ tiến hành mở rộng quy mô, diện tích, đồng thời chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng. Mỗi năm trang trại tăng sản lượng lên 30 tấn, hợp tác để mở rộng mô hình, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ”, ông Phạm Ngọc Minh, chủ trang trại Việt Thái chia sẻ. Ông Phạm Ngọc Minh cho biết thêm, trang trại đặt mục tiêu sản xuất, kinh doanh cho từng sản phẩm cụ thể. Đối với cam sành, năm 2022 đạt 660 tấn, năm 2023 đạt 700 tấn, năm 2024-2026 đạt trung bình 750 tấn/năm. Trừ chi phí hàng năm, lợi nhuận thu được tiếp tục đầu tư vào giống tốt hơn, tập trung hoàn thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm và quảng cáo giới thiệu.

Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đã và đang mang lại hiệu quả rõ nét với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc địa phương, phát triển mạnh, tạo giá trị gia tăng. “Chương trình thu hút nhiều chủ thể tham gia. Năm 2021, sản phẩm cam sành của trang trại đạt OCOP 3 sao, năm nay tiếp tục tham gia nâng hạng. Tuy nhiên, cần có chính sách ưu đãi riêng đối với các sản phẩm được công nhận OCOP, như: Vốn vay ưu đãi, hỗ trợ đầu ra... Việc tiếp tục quan tâm của các cấp, các ngành mang tính định hướng lâu dài cho các sản phẩm OCOP là động lực để các chủ thể tiếp tục duy trì và nâng hạng sản phẩm”, ông Lâm Thành Thanh, chủ trang trại Lâm Thành Thanh, ấp Cây Dừng, xã Hiếu Liêm cho hay.

Ông Thái Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cho biết các sản phẩm OCOP có vai trò quan trọng, là “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn mạnh mẽ hơn, góp phần giúp người dân cải thiện đời sống. Năm 2022, huyện tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP; thực hiện hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động để tăng thu nhập cho người dân một cách bền vững; xây dựng các mô hình liên kết chuỗi, phát triển ngành nghề gắn với thực hiện Chương trình OCOP. Đối với các sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận, huyện tăng cường công tác phối hợp quản lý, quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh... để sản phẩm của địa phương đến với khách hàng, giúp gia tăng giá trị sản phẩm, tạo “luồng gió mới” để nông nghiệp phát triển bền vững.

 Năm 2021, toàn huyện Bắc Tân Uyên có 19 sản phẩm OCOP được công nhận cấp tỉnh. Năm 2022, có 32 sản phẩm (cam, bưởi, quýt, dưa lưới, muối tiêu, tinh bột nghệ, cà phê rang xay, du lịch, chả lụa, rượu bưởi) đạt sản phẩm tiềm năng tham dự cấp tỉnh. Những sản phẩm OCOP của huyện đang dần khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường.

 TIẾN HẠNH - PHƯƠNG THANH  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên