Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Cập nhật: 07-12-2020 | 09:03:59

 Việc sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp dẫn tới nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tác động xấu tới môi trường, sức khỏe con người. Do đó, sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) đã và đang trở thành mối quan tâm của các địa phương.

 Ông Đặng Tấn Lộc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP.Thuận An, chia sẻ với sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm khí hậu, môi trường thay đổi kéo theo áp lực dịch hại cây trồng ngày càng phức tạp. Việc quản lý dịch hại cây trồng phải tổng hợp bằng nhiều biện pháp, trong đó sử dụng thuốc BVTV chiếm vị trí đặc biệt. Hiện tại, nông dân đã dần thay bằng các loại thuốc BVTV sinh học, độ an toàn cao, độc tính thấp, ít tồn lưu trong môi trường.

Ông Lộc cho biết thêm, sản lượng thuốc tiêu thụ hàng năm chủ yếu trên hoa màu và lúa. Cùng với việc tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về các loại sâu bệnh, trung tâm phối hợp các cơ quan chức năng hướng dẫn cách chọn, quy trình phun thuốc sinh học một cách khoa học, an toàn, hiệu quả; sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế các chất kích thích tăng trưởng nhằm giảm chi phí sản xuất, BVMT, tránh bạc màu đất.

Nhận thấy tầm quan trọng trong việc sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã phổ biến và sử dụng nhiều cách làm hay, hiệu quả. Ở TP.Thuận An, có mô hình dùng một số chế phẩm sinh học ủ phân chuồng bón trên rau để góp phần cải tạo, phục hồi đất tầng, đất canh tác thông qua sự xuất hiện của côn trùng có ích... Tại huyện Dầu Tiếng có mô hình lắp đặt các bẫy đèn nhằm trừ sùng trắng hại rễ cao su, hạn chế sâu, rầy…

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã lắp đặt ống cống, hố ga chứa rác là những chai, lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng. Điển hình như 26 điểm đặt ở huyện Dầu Tiếng, 12 hố rác tại xã An Sơn, TP.Thuận An. Một số địa phương áp dụng 3 không: “Không cắm bao nylon đuổi chuột trên đồng ruộng”, “Không đốt rơm rạ”, “Không bỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV trên đồng ruộng”...

Bà Nguyễn Thụy Minh Chi, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Thuận An, cho biết sử dụng phân bón hữu cơ và các biện pháp sinh học trong công tác phòng trừ sâu bệnh gây hại, hạn chế chất kích thích tăng trưởng... là những giải pháp chính trong sản xuất nông nghiệp an toàn đi đôi với BVMT được nông dân các xã, phường áp dụng nhiều năm qua. Anh Nguyễn Văn Tuấn, ngụ tại khu phố Thạnh Bình, phường An Thạnh, TP.Thuận An, cho biết: “Với diện tích 7.000m2 tôi trồng luân canh các loại hoa màu. Sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV, nhờ đó mang lại năng suất cao, chất lượng, an toàn và BVMT sinh thái”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc sản xuất theo hướng VietGAP giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, BVMT, sức khỏe người tiêu dùng và truy xuất được nguồn gốc, đã và đang được nhân rộng tại nhiều địa phương.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=342
Quay lên trên