Sáng mãi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” - Bài cuối

Cập nhật: 27-07-2015 | 08:48:22

Bài cuối: Khi “ngọn lửa” tri ân bùng cháy…

“Không chỉ nhận được sự quan tâm của tỉnh, gia đình tôi còn được các cá nhân, doanh nghiệp (DN) hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, vốn làm ăn, trang thiết bị nội thất”. Đó là lời bộc bạch của ông Võ Thanh Điền, cán bộ hoạt động kháng chiến ở xã An Điền, TX.Bến Cát. Niềm vui của ông Điền cũng là niềm vui chung của những gia đình chính sách (GĐCS), người có công (NCC) với cách mạng nhận được sự quan tâm từ nguồn xã hội hóa và những “tấm lòng vàng” chung tay đóng góp cho phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở tỉnh.

 Ông Huỳnh Văn Nhị (thứ 3, từ trái qua), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao tặng trang thiết bị nội thất cho ông Lê Huy Toàn (thương binh loại 2/4, ngụ xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên) Ảnh: M.HIẾU

Tươm tất những ngôi nhà NCC

“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý truyền thống của dân tộc ta. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã trao tặng trang thiết bị nội thất cho 222 gia đình NCC, với kinh phí trên 7 tỷ đồng, gồm: tủ thờ, tivi, bộ bàn giữa, giường, nệm… Số tiền được trích từ nguồn vận động cá nhân, đơn vị, tập thể, DN chung tay đóng góp cho “Quỹ Vì người nghèo” của tỉnh. Theo ông Từ Xuân Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: “Khi được nhận trang thiết bị nội thất thiết yếu, GĐCS rất vui. Qua những đợt trao trang thiết bị nội thất thiết yếu, chúng tôi hiểu thêm đời sống của GĐCS để xem xét, đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) rà soát những trường hợp khó khăn để tiếp tục hỗ trợ”.

Tại gia đình bà Cao Thị Út (SN 1926), ấp Nhà Mát, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng sau khi những bộ bàn ghế, tivi được kê vào nhà, căn nhà trở nên tươm tất hơn rất nhiều. Bà Út tâm sự, bà cũng như bao thanh niên trong làng ở đâu có giặc ở đó có những người con sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giành lấy hòa bình. Hòa bình lập lại, bà may mắn còn sống nhưng mang trong mình vết thương. Từ sau giải phóng, bà được nhận đầy đủ chế độ thương binh. Bà được sống trong sự quan tâm của mọi người dành cho mình. Khi được biết những trang thiết bị nội thất thiết yếu được trao tặng cho gia đình mình là từ nguồn đóng góp của cá nhân, đơn vị, DN nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bà cũng như nhiều GĐCS khác đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc.

Để công tác đền ơn đáp nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu, ngoài trích quỹ tặng trang thiết bị nội thất thiết yếu, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân, DN tiếp tục hỗ trợ, đóng góp vào “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”. Những tấm lòng của các nhà hảo tâm sẽ góp phần đem đến niềm vui cho NCC; đồng thời thể hiện sự quan tâm với những người đã hy sinh xương máu bảo vệ độc lập tự do của dân tộc.

Tri ân từ nguồn xã hội hóa

Trong những ngày tháng 7 tri ân này, hơn 300 NCC huyện Dầu Tiếng đã có mặt tại Hội trường UBND huyện để ôn lại lịch sử Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Tại đây, họ được gặp lại những đồng chí, đồng đội đã cùng nhau chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Không những được gặp nhau ôn lại kỷ niệm xưa, NCC tiêu biểu còn được nhận những phần quà ý nghĩa từ nguồn vận động cá nhân, DN trên địa bàn huyện hỗ trợ. Ông Trương Hồng Kông, Trưởng phòng LĐ- TB&XH huyện Dầu Tiếng cho biết, Dầu Tiếng có 17 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn huyện đều được các DN, đơn vị nhận phụng dưỡng; nhiều gia đình thương binh nặng được nhận đỡ đầu. Có những tấm lòng chung tay cùng địa phương thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa đã phần nào nâng cao đời sống NCC.

Nhằm góp phần nâng chất lượng đời sống NCC, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Bình Dương đã tặng 400 tivi cho gia đình NCC vàhộ nghèo. Riêng trong năm 2014, việc xây dựng nhà tình nghĩa trên địa bàn tỉnh cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ các cá nhân, đơn vị với số tiền gần 3 tỷ đồng. Từ nguồn vận động và trích từ ngân sách tỉnh, 310 căn nhà tình nghĩa đã được xây, trao tặng cho GĐCS. Xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa còn được thể hiện qua việc các đơn vị, DN nhận phụng dưỡng 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, đỡ đầu thương bệnh binh nặng, hỗ trợ học phí cho con em NCC khó khăn, khám sức khỏe và phát thuốc miễn phí…

Tri ân những anh hùng liệt sĩ, các DN đã tổ chức cho cán bộ, công nhân lao động thắp nến tri ân, dọn dẹp vệ sinh, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ… Cụ thể, như Công ty TNHH MTV Thanh Lễ, Ngân hàng Shihan Việt Nam chi nhánh Bình Dương, Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương… Đặc biệt, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa đã dành khu đất của Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương để hiến tặng khu mộ mẹ VNAH. Khi các mẹ về đây an nghỉ, công ty hỗ trợ mọi chi phí để xây huyệt mộ và chăm sóc nhang khói cho các mẹ.

Có thể nói những món quà, việc làm nhỏ từ các cá nhân, tổ chức, DN đã góp phần nào xoa dịu bớt nỗi đau mất mát của những NCC đóng góp vào sự nghiệp giải phóng đất nước; đem lại niềm an ủi để họ sống vui, tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương, đất nước.

 

 T.LÝ

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=523
Quay lên trên