Để tạo miễn dịch cộng đồng, thực hiện tốt “mục tiêu kép”, tỉnh dự kiến nhu cầu vắc xin cần tiêm cho người dân trong năm 2022. Đáng chú ý, nhu cầu vắc xin của tỉnh được tính cả cho trẻ từ 3 - 17 tuổi với 4 mũi tiêm và mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Hơn 6 triệu liều vắc xin tiêm mũi 3, mũi 4
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong năm 2022, tỉnh sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 ngừa Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh, tính đến ngày 31-8-2021, dân số của tỉnh khoảng 2.477.699 người gồm 2.066.552 người từ 18 - 65 tuổi, người trên 65 tuổi là 65.123 người, từ 12 - 17 tuổi là 180.024 người, người ngoài tỉnh đến Bình Dương sinh sống làm việc khoảng 146.000 người, chuyên gia nước ngoài khoảng 20.000 người.
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho học sinh tại TP.Thủ Dầu Một
Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để tạo miễn dịch cộng đồng, bảo đảm 100% số người trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, tỉnh ban hành kế hoạch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn dân trên địa bàn tỉnh trong năm 2022. Dự kiến bắt đầu từ tháng 1-2022, tỉnh sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin mũi bổ sung và mũi nhắc lại ngừa Covid-19; trong đó ưu tiên cho người chưa tiêm mũi 1, mũi 2. Theo đó, năm 2022, tỉnh dự trù nhu cầu vắc xin ngừa Covid-19 cần trên địa bàn tỉnh là 7.750.000 liều, trong đó có 5.914.000 liều cho người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, mũi 2, mũi 3, mũi 4 và 1.836.000 liều cho trẻ từ 3 - 17 tuổi.
Trong tổng số vắc xin dự trù năm 2022, tỉnh dự trù vắc xin tiêm mũi 3, mũi 4 là 6.062.000 liều, trong đó có 4 mũi vắc xin dành cho trẻ từ 3 - 5 tuổi và 6 - 11 tuổi. Thời gian cụ thể triển khai các đợt tiêm sẽ theo các đợt phân bổ vắc xin của Bộ Y tế, nguồn cung vắc xin nhập khẩu và vắc xin sản xuất trong nước. Loại vắc xin sử dụng tiêm mũi 3 là các loại vắc xin đã sử dụng tại tỉnh, như: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell. Để thực hiện chiến dịch, tỉnh tổ chức các điểm tiêm cố định và điểm tiêm lưu động. Ước tính mỗi ngày mỗi bàn tiêm sẽ tiêm cho khoảng 400 người.
Theo đề xuất của Sở Y tế, trong tháng 1-2022, tỉnh sẽ triển khai tiêm mũi 3 ngừa Covid-19. Cụ thể, sẽ tiêm liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin), người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng… Đối với liều nhắc lại, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.
Việt Nam tiếp tục tiếp nhận vắc xin Moderna
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp nhận vắc xin Moderna do COVAX Facility hỗ trợ để tiêm cho người dân. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng chuyên môn, để sử dụng hợp lý, an toàn và hiệu quả vắc xin do Moderna sản xuất, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn với những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó. Trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, có thể phối hợp tiêm mũi 2 vắc xin do Moderna sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin do Pfizer hoặc AstraZeneca sản xuất. Khoảng cách tiêm mũi 2 sau mũi 1 vắc xin do Pfizer sản xuất theo hướng dẫn của nhà sản xuất, khoảng cách sau mũi 1 vắc xin do AstraZeneca sản xuất theo Công văn số 7820/ BYT-DP ngày 20-9-2021 của Bộ Y tế.
Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ, hướng dẫn thực hành tiêm chủng và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng khi triển khai tiêm chủng phối hợp các loại vắc xin ngừa Covid-19. Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm phù hợp với số vắc xin được cung ứng và đối tượng tiêm chủng bảo đảm an toàn, đúng lịch bảo đảm diện bao phủ, đồng thời thông tin đầy đủ cho các đối tượng trước khi tiến hành tiêm chủng để tạo sự đồng thuận cao.
Trước đó, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19 mũi 1 đã tiêm không còn sản xuất hoặc cung ứng không kịp thời để cung cấp cho mũi nhắc lại thì có thể sử dụng mũi nhắc lại bằng vắc xin khác. Nếu tiêm mũi 1 bằng vắc xin do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất. Trường hợp mũi 1 tiêm vắc xin do Moderna sản xuất thì mũi 2 có thể tiêm vắc xin do Pfizer sản xuất và ngược lại.
Được biết, tính đến nay Bộ Y tế đã tiếp nhận hơn 131 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 có công nghệ sản xuất khác nhau như vắc xin do AstraZeneca, Pfizer, Moderna... sản xuất, trong đó đã có hơn 75 triệu liều tiêm mũi 1 và hơn 56 triệu liều tiêm mũi 2. Bình Dương cùng với các địa phương, đơn vị trong cả nước đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
HOÀNG LINH