Ngày 20-1-2013, Thông tư số 30/2012/TT-BYT về điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố (TAĐP) chính thức có hiệu lực. Thông tư ra đời phần nào xoa dịu bớt nỗi lo của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Thế nhưng, để thông tư đi vào cuộc sống vẫn còn nhiều băn khoăn?
Nỗi lo thức ăn đường phố
TAĐP đã tồn tại từ lâu và trở thành một phần “không thể thiếu” trong cuộc sống hiện tại. Tại Bình Dương, kể từ khi công nghiệp phát triển, thu hút hàng trăm ngàn lao động từ khắp nơi về làm việc, hiển nhiên TAĐP lại càng nhiều. Dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu, từ đường lớn, hẻm nhỏ, trước các khu công nghiệp... đều có mặt TAĐP. Theo thống kê từ Chi cục VSATTP, năm 2011 có hơn 11.000 cơ sở buôn bán TAĐP, đến năm 2013 con số lên đến 14.353 cơ sở, chưa kể hàng rong.
Thông tư số 30/2012/TT-BYT liệu có sát sườn đối với những trường hợp bán hàng rong kiểu “nay đây mai đó”?
Có thể nói, các món ăn vỉa hè vừa rẻ, vừa ngon, lại đa dạng đã len lỏi vào đời sống đô thị tấp nập hiện nay. Chỉ với vài ngàn đồng, người lao động đã có một bữa ăn sáng gọn gàng, tiện lợi thay vì phải vào quán hàng tốn kém, hay nấu nướng mất thời gian. Chính sự phong phú về món ăn, giá cả phải chăng nên loại hình TAĐP ngày càng bùng phát. Một khi nhu cầu người tiêu dùng càng cao thì quầy hàng vỉa hè càng tấp nập. Sự thuận lợi mà TAĐP mang lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những người bán hàng có ý thức, coi trọng VSATTP thì vẫn nhiều cá nhân, hộ gia đình vì cái lợi trước mắt nên không màng đến sức khỏe khách hàng, sử dụng thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém. Chính vì điều này mà ngành quản lý không ngừng ban hành, sửa đổi các văn bản liên quan đến vấn đề VSATTP sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Nhiều băn khoăn
Thông tư 30/2012/TT-BYT có nhiều điều, khoản quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống gồm cơ sở chế biến thức ăn nấu sẵn, căng tin, bếp ăn tập thể, nhà hàng ăn uống, khu nghỉ dưỡng, cửa hàng ăn uống, quầy hàng thức ăn nấu sẵn. Theo đó, thông tư quy định cụ thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nước sử dụng, nguyên, phụ liệu, không gian, khu chứa đựng, con người làm việc… là hoàn toàn hợp lý.
Đối với TAĐP, Thông tư 30 đã dành hẳn 2 chương quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh quán hàng TAĐP. Điểm đáng chú ý, văn bản này cũng đã quy định một cách nghiêm ngặt đối với người bán hàng, cách thức kinh doanh TAĐP. Chẳng hạn, quy định người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng, đeo găng tay khi bán hàng; nơi bán hàng phải cách nguồn lây nhiễm; không được sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc khi mua nguyên liệu về chế biến; người kinh doanh TAĐP phải được tập huấn, khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đã tập huấn, đủ điều kiện sức khỏe…
Thiết nghĩ, các quy định trên áp dụng với những cơ sở bán hàng cố định thì không vấn đề gì, song đối với một số trường hợp bán hàng rong thì việc thực hiện xem chừng khá nan giải. Hầu hết các đối tượng bán hàng rong là lao động nghèo, vốn ít, chưa kể nhiều người có hoàn cảnh bi đát, bệnh tật vẫn phải “tha phương cầu thực” quảy gánh hàng rong “nay đây mai đó” để nuôi gia đình, con cái. Một bà bán xôi, chuối chiên ở vị trí cố định nếu chịu hợp tác có thể cung cấp cho ngành chức năng nguồn gốc nguyên liệu mà họ nhập, nhưng khó lòng để bắt buộc các chị bán bánh ướt, bún xào, tàu hủ, chè… kiểu “thoắt ẩn thoắt hiện” lại bỏ gánh hàng để đi tập huấn?
Quả thật, Thông tư 30 ra đời là một yêu cầu bức bách, cần thiết, nhưng việc đi vào thực hiện không phải dễ dàng, không phải một sớm một chiều. Để có được hiệu quả thiết thực, cần căn cứ vào tình hình thực tế, có sự phối hợp chặt chẽ, chung sức giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nói chung và sự hợp tác của người tiêu dùng, người bán hàng nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm: Quan trọng nhất vẫn là ý thức người bán hàng
Thông tư 30 ra đời, quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn đối với loại hình TAĐP như: cơ sở vật chất, con người, nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu chế biến… Bước đầu, công tác triển khai thông tư không tránh được nhiều khó khăn bởi loại hình kinh doanh TAĐP hiện nay rất đa dạng, khó kiểm soát. Điều này đòi hỏi ngành quản lý phải cương quyết, rốt ráo, làm việc một cách bài bản và quan trọng hơn hết là ý thức của người bán hàng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng phải là người tiêu dùng thông thái, quan tâm hơn đến vấn đề VSATTP, tẩy chay những cơ sở buôn bán dơ bẩn, nhếch nhác mà họ biết.
Tại Bình Dương, thực hiện thông tư này, ngành y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/2012/CT-UBND ngày 13-8-2012 về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với quán ăn và TAĐP trên địa bàn. Theo chỉ thị này, sắp tới người buôn bán TAĐP cố định sẽ được tập huấn và cấp thẻ miễn phí thay vì giấy chứng nhận như chúng ta đã biết. Trước đây, chưa có Thông tư 30, chúng tôi cũng đã quan tâm đến vấn đề VSATTP đối với các quán hàng vỉa hè, công tác tập huấn kiến thức VSATTP, tuyên truyền, vận động thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn TAĐP thường xuyên được tổ chức. Qua một thời gian dài, nhận thấy nhận thức của người bán và người mua đều đã có bước chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành các quy định bảo đảm VSATTP. Tuy nhiên, công tác này không chỉ của ngành y tế, để thông tư đi vào thực tế, mang lại hiệu quả, đòi hỏi phải có sự chung tay của các ngành, các cấp và toàn xã hội. Ngoài công tác tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nâng cao nhận thức, công tác thanh kiểm tra cũng không thể xem nhẹ. Theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, công tác quản lý TAĐP thuộc UBND huyện, thị, thành phố đến xã, phường, thị trấn và giữ vai trò quyết định. Do đó, các cấp chính quyền, đoàn thể cấp huyện, xã, phường, thị trấn, các cán bộ chuyên trách địa phương cần phải phát huy hơn nữa vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đặc biệt đối với các cơ sở hàng rong trên địa bàn mình quản lý…”.
TÂM TRANG