Sớm có giải pháp lâu dài, bền vững về thủy lợi

Cập nhật: 15-12-2020 | 07:48:07

Đợt triều cường trên sông Sài Gòn cuối tháng 11-2020 đã thiết lập một kỷ lục mới ở đoạn qua TP.Thủ Dầu Một và TP.Thuận An. Theo đó, trị số mực nước cao nhất đã đạt mức 1,74m, cao hơn mức báo động 3, mức độ rủi ro thiên tai ở 2 thành phố nói trên cũng đạt cấp độ 2 theo Quyết định 05-2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phòng chống và ứng phó rủi ro thiên tai.

 Cống ngăn triều Bình Nhâm được khởi công xây dựng từ tháng 9-2020

 Đỉnh triều vượt mức an toàn

Sau khi nhận được thông tin cảnh báo triều cường vùng hạ lưu sông Sài Gòn cuối tháng 11-2020 của Đài khí tượng Thủy văn Bình Dương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn Bình Dương (BCH) đã thực hiện khẩn cấp công văn gửi các sở ngành, địa phương về việc triển khai biện pháp phòng chống, ứng phó với đợt triều cường khoảng giữa tháng 12-2020. Theo đó, để chủ động phòng chống ngập lụt do ảnh hưởng của triều cường, BCH đã đề nghị các sở ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện phương án phòng chống, ứng phó ngập lụt theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định 1784/QĐ-UBND về phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, BCH nêu rõ việc cần làm cấp thiết hiện nay là thường xuyên kiểm tra, gia cố và bảo vệ các tuyến đê bao, bờ bao, bờ rạch, hệ thống công trình ngăn triều… nhất là các đoạn xung yếu. “Các địa phương cần chủ động chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải, đất cát…) để kịp thời thực hiện việc gia cố, cơi đắp các đoạn đê bao, bờ bao, bờ rạch có khả năng bị vỡ, bị tràn theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời chú trọng việc vận hành các công trình ngăn triều đúng quy trình nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất kinh doanh của nhân dân.

Trước đó, ông Nguyễn Khánh Trường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, do diễn biến phức tạp của thời tiết và sự biến đổi tiêu cực của khí hậu, mỗi năm triều cường ở sông Sài Gòn đều thiết lập một đỉnh cao mới. Trị số mực nước đỉnh triều trên sông Sài Gòn năm 2020 vào giữa tháng 11 vừa qua đã đạt mức 1,74m tăng 0,35m so với mức 1,39m của năm 2010.

Giải pháp lâu dài, bền vững

Nhận thấy tình trạng đỉnh triều trên sông Sài Gòn ngày càng dâng cao, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới việc sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, ngành nông nghiệp đã trực tiếp tham mưu lãnh đạo tỉnh về việc đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện khép kín hệ thống đê bao, cống ngăn triều… để đáp ứng năng lực thủy lợi và phòng chống thiên tai trong điều kiện thực tế hiện tại và nhiều năm tới.

Nhìn vào con số thống kê của của Chi cục Thủy lợi, dẫu rằng những thiệt hại về kinh tế chưa lớn nhưng theo diễn biến ngày càng tiêu cực của thời tiết và khí hậu, dự kiến những năm tới triều cường sẽ tiếp tục thiết lập đỉnh mới. Cụ thể, đợt triều cường tháng 11-2020 vừa qua đã khiến 300m bờ bao bị vỡ, nước tràn qua 1.525m bờ ao, 3.020m đường giao thông, gây ngập 45,4ha đất vườn với độ ngập trung bình từ 0,1 đến 0,5m. Tình trạng ngập úng cũng đã gây ảnh hưởng nhẹ tới nhu cầu sinh hoạt và hoạt động sản xuất kinh doanh của 471 hộ dân. Ở các khu vực ven sông thuộc TP.Thủ Dầu Một và TP.Thuận An trong những ngày triều cường cao, lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc 2 thành phố và các phường đã nhiều đêm thức trắng để kiểm tra, gia cố và tạo cao trình tạm cho các hệ thống đê bao, bờ bao, bờ rạch.

Hiện hệ thống đê bao, bờ bao và các công trình ngăn triều… của tỉnh chưa hoàn toàn khép kín do chưa có hệ thống cống ngăn triều tại cửa 5 con rạch Bà Lụa, Vàm Búng, Bình Nhâm, Lái Thiêu, Vĩnh Bình. Theo đó, mỗi khi thủy triều dâng cao, nước sông Sài Gòn sẽ theo các con rạch để chạy ngược vào vùng canh tác và vùng dân cư, gây ra tình trạng ngập úng. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, tháng 9 vừa qua, được sự phê duyệt của tỉnh, ngành nông nghiệp đã chính thức khởi công công trình cống ngăn triều Bình Nhâm tại khu vực cửa rạch Bình Nhâm. Công trình này dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng vào tháng 9-2022. “Để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và thủy lợi, sắp tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục trình xin ý kiến của tỉnh về việc xây dựng cống ngăn triều tại 4 con rạch còn lại”, ông Bông nói.

 Các cuộc khảo sát của nhiều nhà khoa học và những tổ chức danh tiếng trên thế giới chỉ ra rằng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ trực tiếp chịu ảnh hưởng của tình trạng mực nước biển dâng cao một cách trầm trọng. Bình Dương cũng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của tình trạng mực nước biển dâng cao trên 2 con sông Sài Gòn và Đồng Nai. Bên cạnh những giải pháp mang tính tạm thời, tỉnh cũng đã có chủ trương, chính sách ứng phó bằng những giải pháp bền vững như quy hoạch, xây dựng và vận hành một cách đồng bộ, khép kín hệ thống đê bao, bờ bao và các công trình thủy lợi ngăn triều… để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất kinh doanh.

 ĐÌNH THẮNG 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên