Tuy gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển, song chỉ trong thời gian ngắn, 10/10 xã của huyện Bắc Tân Uyên đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM). Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM đã tạo sự phấn khởi trong nhân dân, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ để Bắc Tân Uyên phát triển trong thời gian tới.
Từ sự đồng lòng, quyết tâm
Trong thời gian đầu khi mới thành lập, trong cơ cấu kinh tế của Bắc Tân Uyên, nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Là huyện vùng xa, Bắc Tân Uyên có xuất phát điểm về kinh tế, văn hóa - xã hội thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông yếu kém, thiếu đồng bộ. Thấy được những khó khăn, thách thức đó, Đảng bộ, chính quyền Bắc Tân Uyên xác định việc thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM sẽ góp phần tạo ra nền tảng cơ bản vững chắc, động lực cho kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Từ quan điểm trên, công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt, triển khai thực hiện chương trình NTM được huyện tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; từ đó tạo được sự đồng thuận cao và nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân cùng với cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng NTM.
Các lực lượng phối hợp ra quân làm đường giao thông nông thôn tại xã Hiếu Liêm. Ảnh: ĐÀ BÌNH
Ông Thái Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết chính quyền cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên đã chung vai, góp sức thực hiện chương trình xây dựng NTM và đạt được nhiều kết quả quan trọng; bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn phát triển nhanh, nổi bật nhất là hệ thống giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở, điện… đã tạo ra diện mạo mới cho huyện. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo đúng định hướng, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của huyện. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tổ chức đúng định hướng.
Điều đáng ghi nhận tại Bắc Tân Uyên là nếu như khi mới thành lập (năm 2014), huyện chưa có xã nào đạt chuẩn NTM thì chỉ 3 năm sau (năm 2017), 10/10 xã của huyện được công nhận là xã NTM. Đây là sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên trong suốt thời gian qua. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2018, vốn huy động từ nhân dân và các doanh nghiệp trong xây dựng NTM là trên 60 tỷ đồng. Chương trình NTM đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội của huyện, góp phần giảm dần khoảng cách của Bắc Tân Uyên với các địa phương lân cận.
Nâng cao chất lượng NTM
Những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã tạo ra nền tảng quan trọng và động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Bắc Tân Uyên phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Ông Thái Thanh Bình cho biết Huyện ủy, UBND huyện xác định, xây dựng NTM phải gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhằm phát triển đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; bảo đảm kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục. vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh
Theo đó, mục tiêu của huyện là 10/10 xã tiếp tục giữ vững danh hiệu xã NTM và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt theo Bộ tiêu chí nâng cao của tỉnh; phấn đấu đến cuối năm 2019, huyện cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 25-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, huyện từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1925/QĐ-UBND ngày 16-7-2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020 và Quyết định số 691/ QĐ-TTg ngày 5-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 563 tuyến đường với tổng chiều dài là 562,118km, trong đó nhựa hóa chiếm trên 30%. Hệ thống điện được tập trung đầu tư để phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,9%. Toàn huyện có 25 đơn vị giáo dục công lập, gần 13.000 học sinh các cấp và 11 nhóm trẻ - lớp mẫu giáo độc lập tư thục đang hoạt động; có 18 trường được lầu hóa; 100% xã, thị trấn đều đạt tiêu chí về giáo dục, qua đó góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu về giáo dục - đào tạo. Đến nay, toàn huyện có 11 cơ sở khám chữa bệnh, 68 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, 186 cán bộ y tế, 22 bác sĩ, chiếm tỷ lệ 3,7/10.000 dân; 100% xã, thị trấn có bác sĩ phục vụ thường xuyên; các chương trình y tế quốc gia được tổ chức triển khai thực hiện tốt; 100% trạm y tế xã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; 10/10 trạm y tế xã được xây dựng kiên cố, khang trang bước đầu đáp ứng được yêu cầu khám và điều trị bệnh cho nhân dân.
ĐÀ BÌNH