Xã An Bình không chỉ có đất rộng, dân số đông nhất huyện Phú Giáo, mà còn là một trong những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất của tỉnh. Đó là những đặc điểm đòi hỏi công tác giảm nghèo bền vững của địa phương phải có những giải pháp phù hợp để đạt hiệu quả cao.
Người dân cùng góp sức làm tuyến đường giao thông ở ấp Cà Nà, xã An Bình. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Ông Trịnh Đình Hải, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Bình, cho biết qua 6 năm (2011- 2017) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với giảm nghèo bền vững, xã đã triển khai thực hiện nhiều chương trình hiệu quả, giảm dần khoảng cách về đời sống, thu nhập giữa thành thị và nông thôn. Từ đó, nhân dân trong xã đã có những đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng NTM và công tác giảm nghèo bền vững.
Qua 6 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhân dân trong xã An Bình cùng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã đóng góp xây dựng, nâng cấp 103 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 103,84km; đóng góp tự thay mới, nâng cấp 26 tuyến đường điện, tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhân dân và DN còn hiến đất xây dựng trường học, văn phòng ấp, mặt bằng để xây dựng chợ… tổng trị giá hơn 9,5 tỷ đồng; đóng góp tiền, vật liệu xây dựng, ngày công sửa chữa, xây dựng và trao tặng 54 căn nhà cho các hộ gia đình khó khăn về nhà ở, trị giá hơn 1,3 tỷ đồng… Đến nay, xã An Bình đã đạt 15 tiêu chí NTM.
Đối với công tác giảm nghèo bền vững, UBND xã An Bình đã ban hành các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Kết quả cho thấy, 6 năm qua xã đã xét duyệt và cấp hơn 3.800 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và trao tặng 54 căn nhà cho đối tượng khó khăn về nhà ở; xét và giải ngân hơn 13,5 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc vay phát triển kinh tế. Xã còn hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo với tổng số tiền hơn 110 triệu đồng; xét và cấp đất sản xuất cho 112 hộ đồng bào dân tộc thiểu số...
Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình, cho hay đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 39 triệu đồng, tăng 21 triệu đồng so với năm 2011; đến tháng tháng 7-2017 thu nhập đầu người của xã ước đạt 44 triệu đồng/người. Điều đáng nói, hiện xã không còn hộ nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều của cả nước. Số hộ nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều của tỉnh còn 37 hộ, chiếm tỷ lệ 0,89%; hộ cận nghèo còn 76 hộ, chiếm tỷ lệ 1,76%.
Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình Lợi, chia sẻ trong quá trình thực hiện xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, UBND xã An Bình luôn xác định đây là 2 chương trình lớn của Đảng và Nhà nước. Do đó việc thực hiện hoàn thành 2 chương trình này sẽ làm thay đổi toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với công tác xây dựng NTM, việc thực hiện phải được triển khai sâu rộng từ xã đến ấp, mọi người dân, với những nội dung, hình thức thiết thực, theo phương châm phát huy nội lực là chính, xây dựng NTM là để phục vụ đời sống của người dân và không vì thành tích để làm NTM bằng mọi giá. Đối với công tác giảm nghèo bền vững, bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế phải quan tâm đến vấn đề bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; tạo điều kiện tốt nhất để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo…
HOÀI PHƯƠNG