Theo Đông y, bí xanh (hay bí đao) có vị ngọt, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt, giúp làm tan đờm, giải độc cho cơ thể. Bí xanh không những không có độc tính, mà còn có tác dụng kiện tỳ, ích khí, tiêu trừ nước thừa trong cơ thể, giảm cân.
Bí xanh còn được biết đến vì chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, như: Protit, đường, chất xơ, caroteen và các vitamin PP, B1, B2, C, các chất canxi, sắt... Hơn nữa, bí xanh không chứa lipid, lượng natri thấp, chất axit có trong trái bí xanh có thể tiêu hao lượng mỡ thừa trong cơ thể, ức chế sự chuyển hóa đường thành mỡ, chống lại sự tích tụ mỡ trong cơ thể.
Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Sức khỏe tỉnh, bí xanh có tác dụng tiêu mỡ, giải nhiệt, tiêu độc. Với những người dư cân, béo phì hoặc muốn giữ thon gọn vóc dáng thì nên uống nước ép bí xanh hoặc ăn bí xanh luộc thay rau xanh hàng ngày. Đối với những người có máu nhiễm mỡ, bí xanh là một trong những món ăn lý tưởng nhất. Theo BS Tuyết, sau những bữa tiệc tùng thịnh soạn, bạn hãy uống một ly nước ép bí xanh để giải phóng lượng dầu mỡ và năng lượng dư thừa rất hiệu quả.
Một số nghiên cứu cho thấy, bí xanh còn tác dụng trong phòng chữa một số bệnh như táo bón, giảm viêm tấy, chống ho, hen suyễn… Với hàm lượng natri rất thấp, bí xanh có tác dụng trong việc trị liệu cho những người mắc bệnh, như: Xơ cứng động mạch, tiểu đường, bệnh động mạch vành tim, viêm thận, phù thủng, cao huyết áp và béo phì. Vào những ngày nóng bức, việc dùng bí xanh thường xuyên vừa có tác dụng giải khát vừa phòng chống bệnh tật rất tốt. Khi cơ thể bị nhiệt, nên thường xuyên sử dụng bí xanh để ép lấy nước uống, luộc, nấu canh…
Cách sử dụng hiệu quả nhất là ép lấy nước uống (thêm một chút muối), tuy nhiên nước bí xanh rất khó uống đối với những người khi mới sử dụng. Nếu cách này không được, có thể thay bằng bí xanh luộc hoặc nấu canh, nhưng tác dụng có thấp hơn.
CẨM LÝ