Tâm sự của những “bóng hồng” trong Bệnh viện dã chiến số 1

Cập nhật: 24-08-2021 | 08:52:43

Giữa tâm dịch nóng bỏng đầy hiểm nguy, tránh sao được những giây phút “yếu lòng”, thương nhớ quê nhà và người thân. Nhưng vượt lên trên nỗi niềm riêng tư, họ luôn tận tâm, tận lực chăm lo cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Chúng tôi muốn kể về câu chuyện của những “bóng hồng”, “chiến sĩ áo trắng” của ngành y tế tỉnh Ninh Bình xung phong vào Bình Dương chống dịch.


Hình ảnh xúc động của chị Nguyễn Thị Hà (bìa phải) cùng các đồng nghiệp tranh thủ phút nghỉ ngơi quý giá tại Bệnh viện dã chiến số 1

“Gửi con cho ông bà”

Gần 1 tháng qua, từ những bỡ ngỡ, xen lẫn chút lo lắng ban đầu, các tình nguyện viên (TNV) từ tỉnh Ninh Bình đã thích nghi tốt với môi trường làm việc căng thẳng và nhiều áp lực của tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh tại Bình Dương. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều chung tay cùng Bình Dương vượt qua đại dịch.

Là điều dưỡng trưởng của phòng khám bệnh Trung tâm Y tế TP.Ninh Bình, đáng lẽ giờ này, sau mỗi buổi đi làm về, chị Nguyễn Thị Hà (39 tuổi) có thể ôm ấp những đứa con vào lòng, vào bếp nấu cho gia đình những món yêu thích. Nhưng giờ đây, công việc đầy niềm vui ấy là không thể khi chị đang cùng các đồng nghiệp của mình tiếp sức cho lực lượng y tế Bình Dương tại Bệnh viện dã chiến số 1. Chồng chị Hà là cảnh sát, lại thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch tại quê nhà, thường một tuần mới về nhà một lần khiến chị không khỏi lo lắng bởi hai con còn nhỏ thiếu vắng cha mẹ. Tuy vậy, chị vẫn quyết định gửi các con nhờ ông bà nội, ngoại hai bên chăm sóc luân phiên theo tuần để tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ.

Xác định vào hỗ trợ Bình Dương là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, dù khó khăn, vất vả và phải đối mặt với nhiều nguy cơ nhưng các TNV đều rất quyết tâm. Với 30 y, bác sĩ tham gia tình nguyện, để điều phối mọi hoạt động trơn tru, đoàn đã thành lập một nhóm Zalo để phân công công việc cũng như chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của anh, chị, em trong đoàn. Để động viên các chị, em phụ nữ phải xa nhà, xa con, đoàn luôn động viên và tạo sự kết nối giữa các thành viên trong đoàn với gia đình, cơ quan công tác ở địa phương; kịp thời nắm bắt thông tin hai chiều giúp họ yên tâm công tác. Ngoài ra, đoàn cũng thường xuyên tạo điều kiện tối đa, kêu gọi sự hỗ trợ của Hội đồng hương Ninh Bình để động viên tinh thần các TNV, nhất là chị em phụ nữ...”.

(Ông Nguyễn Hùng Ngân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình)

Chị Hà chia sẻ: “Người nào cũng lo cho tổ ấm của mình thì những nhiệm vụ gian nan, vất vả ai sẽ gánh vác. Quả thực, tôi chưa bao giờ xa các con lần nào, nên lần này đi nhớ các con da diết. Mỗi khi nhớ con, tôi chỉ còn cách gọi điện về nhà, nhưng có lúc hết ca thì con đã ngủ say giấc. Càng nhớ, tôi tìm hình con trong điện thoại, nỗi nhớ con lúc đó càng nhiều hơn nên cũng tủi thân lắm! Trong bệnh viện, nhiều bệnh nhân là trẻ em, nhìn mấy bé, tôi lại nhớ con mình nhiều hơn. Có hôm, gọi điện về, thằng con trai lớp 4 tếu táo với mẹ “con nhớ mẹ mà rụng hết tóc luôn rồi”, khiến tôi cười mà nước mắt vẫn chảy nhưng cũng giúp tôi xua tan một ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng”.

Vừa dứt câu chuyện về đứa con hài hước, chị chia sẻ với chúng tôi về hoàn cảnh của một gia đình nhiễm Covid-19 bằng cả tình thương của một người mẹ. Làm việc ở bệnh viên, chị chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh đáng thương. Có gia đình trẻ 4 người, trong khi người mẹ với đứa con gái lớn hơn xét nghiệm có kết quả dương tính trước, thì người bố với em bé 4 tháng tuổi chưa có kết quả dương tính nên tạm thời cách ly ở nhà. Ở trong khu điều trị, người mẹ đau lòng vì nhớ con. Ở nhà, đứa con khát sữa khóc ngặt nghẽo ngày đêm, trong khi người bố bắt đầu sốt li bì... Tiếng khóc người mẹ nghẹn ngào xin các y, bác sĩ cho con vào ởchung để tiện chăm sóc khiến ai cũng đau lòng. Tuy nhiên, theo quy định, trường hợp chưa có kết quả PCR khẳng định dương tính, chưa thể đưa vào bệnh viện.

Giọng chị Hà nghẹn lại: “Là một người mẹ, chúng tôi hiểu được cảm giác của bệnh nhân lúc này nhưng không thể làm gì khác quy định. Tôi cảm thấy bất lực đến nhường nào nên chỉ biết trấn an, động viên người phụ nữ kia chờ kết quả xét nghiệm PCR của con. Sau đó, cả gia đình 4 người đều có kết quả dương tính hết. Điều chúng tôi cần làm lúc này là xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện để đón em bé vào đây nhanh nhất”. Khi được hỏi, nếu có một điều ước, chị mong điều gì nhất (?), chị nói ngay: “Tôi chỉ mong nước nhà nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh”, thay vì mong ước “sẽ được về với con lúc này” theo phản ứng bình thường của người mẹ nhớ con.

Làm từ A tới... Z

Bệnh viện dã chiến số 1 - Bình Dương có quy mô 5.000 giường, trong khi lực lượng y tế ở đây còn mỏng nên y bác sĩ lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Một ngày làm việc của điều dưỡng Nguyễn Thị Thương, TNV đến từ Ninh Bình, bắt đầu bằng việc thu gom rác ở vòng ngoài. Sau đó, nhóm của chị mặc đồ bảo hộ, chuẩn bị cơm và đi phát cho từng bệnh nhân. Chưa hết, trong khi bệnh nhân ăn cơm, nhóm lại tiếp tục gom rác trong khu phòng bệnh - nơi bệnh nhân ở. Công việc này cứ thế lặp đi lặp lại, cho đến khi kết thúc bằng việc gấp quần áo cho bệnh nhân vào chiều tối. Sang ca khác, chị Thương cùng đồng nghiệp làm các nhiệm vụ lấy máu, chụp X-quang, đo SpO2 (đo độ bão hòa oxy trong máu, kết hợp đo nhịp tim thông qua đầu ngón tay - P.V) hoặc làm theo chỉ định của bác sĩ… Có hôm 20 - 21 giờ tối chị và các đồng nghiệp mới được ăn cơm chiều, có lúc 1 - 2 giờ sáng phải dậy để đón bệnh nhân mới…

Chị Thương kể lại câu chuyện lúc nhận quyết định tham gia đội tình nguyện vào Bình Dương hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh. Biết tin chị sắp vào miền Nam, gia đình chị không khỏi lo lắng. Sợ gia đình buồn lòng, chị lén gấp quần áo mỗi ngày vài cái vào ba lô cất trong tủ. Trước ngày lên đường, chị xếp tất cả những gì cần thiết để chuẩn bị đầy đủ cho hành trình sắp tới. Trong căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười trước đó, bỗng dưng không khí chùng xuống, chồng chị phải thốt lên rằng: “Em đừng gấp nữa được không?!”. Đứa con nhỏ dỗi hờn: “Sao mẹ lại phải đi! Chúng con không muốn mẹ đi đâu!”. Để trấn an con, chị dịu giọng: “Dù gì, các con cũng có bố và ông bà bên cạnh. Nhiều em bé, bệnh nhân đang bị bệnh mà không có ai chăm sóc. Mẹ đi thời gian ngắn rồi mẹ về, 2 đứa ở nhà ngoan nhé!”. Thế rồi cả gia đình quay ra động viên, mong chị lên đường làm nhiệm vụ an toàn…

Cũng như bao phụ nữ khác, chị Thương cũng có những phút “yếu lòng” vì nhớ con. Chị chia sẻ: “Dù nhớ gia đình nhưng tôi không dám gọi điện về nhiều vì sợ mọi người lo lắng. Bệnh viện quá tải, có nhiều lần mệt quá, nói không ra hơi nên gọi điện về sợ gia đình lo lắng thêm”. Chia sẻ về khó khăn, chị cho biết: “Ở trong bệnh viện, có nhiều bệnh nhân là người dân tộc thiểu số nên việc giao tiếp hơi khó khăn. Việc mặc đồ bảo hộ hay bị mất nước nên có khi chúng tôi thường bị chóng mặt, choáng váng. Dịch bệnh ai mà không sợ nhưng chúng tôi đi theo mệnh lệnh từ trái tim. Tổ quốc cần là chúng tôi lên đường. Đây là “cuộc chiến” giữa thời bình nên chúng tôi không xác định được ngày về. Mấy chị em hay đùa nhau, có khi hoa đào nở mới được về”.

Dịch bệnh ngày càng phức tạp, áp lực công việc càng lớn, nhưng chị Hà, chị Thương và các đồng nghiệp tại bệnh viện dã chiến không đơn độc trong cuộc chiến này khi hàng ngàn y, bác sĩ từ nhiều tỉnh, thành khác cũng đã xung phong lên đường hướng về tâm dịch ở Bình Dương. Hành trang của họ chính lày đức, lòng quyết tâm của những người “chiến sĩ áo trắng” trong cuộc chiến chống lại Covid-19 để bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng cho nhân dân.

 HUỲNH THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=836
Quay lên trên