Tận tụy với nghề, nghề không phụ…

Cập nhật: 26-02-2014 | 00:00:00
Khi tận tụy với nghề, nghề không phụ và những áp lực trong công việc cũng giảm đi. Điều này rất đúng khi tôi gặp các em, những thầy thuốc trẻ miệt mài và chịu khó đi trên con đường mình đã chọn…

 “Em từng bị bệnh nhân… nắm tóc, giúi đầu!”

 Làm việc với bệnh nhân (BN) tâm thần đòi hỏi phải có một “tinh thần thép” và tấm lòng cảm thông rất lớn đối với BN mới trụ nổi. Những ngày đầu đi làm, Đỗ Thị Kim Chi được các anh chị đồng nghiệp truyền đạt như thế và dần dần, cô sinh viên mới ra trường ngày nào cũng quen với công việc của mình.   Kim Chi đang khám cho bệnh nhân tâm thần

Kim Chi sinh năm 1990, nhà ở Tân Định, Bến Cát. Em tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Bình Dương và đi làm gần 2 năm nay. Là điều dưỡng của khoa Tâm thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh nên công việc của Kim Chi đòi hỏi phải tận tụy, chính xác từng giờ giấc và từng loại thuốc được phát cho BN. Khác với các khoa khác, điều dưỡng có thể đưa thuốc cho BN tự uống hay người nhà chăm sóc bệnh thì ở khoa này, tự tay điều dưỡng phải chia thuốc theo toa của bác sĩ điều trị, “canh” BN uống thuốc đúng liều, đúng giờ. Có những BN “giả vờ” uống xong phun thuốc ra nếu điều dưỡng không nhắc nhở. Kim Chi kể: “Với BN tâm thần phải nhẹ nhàng, mềm mỏng và gần gũi với họ. Có những người mình phải tiếp xúc nhiều lần, lắng nghe tâm sự của họ để họ hợp tác tích cực với mình chứ không là nguy cơ về tai nạn nghề nghiệp rất cao. Có lần một BN phản ứng dữ dội, túm tóc, giúi đầu em làm em rất sợ. May lần đó có đồng nghiệp… “giải cứu” chứ không thì nguy hiểm lắm”.

“Làm việc bằng cái tâm thì không vất vả!”

Sau khi tốt nghiệp hệ cử nhân Vật lý trị liệu tại Đại học Y dược TP.HCM, Huỳnh Văn Tùng (sinh năm 1989, quê Bình Định) chọn Bình Dương làm quê hương thứ 2. Em cũng làm việc tại Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh được gần 2 năm nay. Xa nhà, cuộc sống của một thanh niên độc thân khá khó khăn khi đồng lương cử nhân mới ra trường thấp, lại phải thuê phòng trọ, tự túc các khoản sinh hoạt phí nhưng Tùng vẫn luôn cố gắng để gắn bó lâu dài với nghề.    Huỳnh Văn Tùng đang đọc phim của bệnh nhân để có hướng điều trị

Một trong những động lực khiến Tùng gắn bó với công việc là môi trường làm việc tốt, bạn bè, đồng nghiệp ở đây rất hòa đồng, đoàn kết. Các bạn thường giúp nhau, choàng gánh công việc cho bạn bè đi học, đi công tác về cơ sở… Anh Huỳnh Xuân Hà, Bí thư Chi đoàn Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN, cho biết Tùng cũng như nhiều bạn trẻ khác rất hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện. Mới đây là chuyến đi khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo tại 2 xã Hiếu Liêm, Lạc An (Tân Uyên), thăm, tặng quà cho người tàn tật ở các trung tâm bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014…

HƯƠNG CẦN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=393
Quay lên trên