Tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho người dân, đặc biệt là những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là mục tiêu chủ yếu của chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ SKSS-KHHGĐ năm 2015 mới được Chi cục Dân số (DS)-KHHGĐ tỉnh triển khai chiến dịch đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng có dân nhập cư và vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh…
Tuyên truyền cổ động nhằm nâng cao ý thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ
Bác sĩ Nguyễn Văn Thấm, Chi cục phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, chiến dịch năm nay được triển khai tại 18 xã, phường/9 huyện, thị, thành phố. Mỗi huyện, thị, thành phố sẽ chọn 2 xã, phường có mức sinh cao, vùng khó khăn, dân nhập cư đông để triển khai chiến dịch. Chiến dịch được triển khai phải bảo đảm thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm tại xã, phường triển khai, cụ thể: Triệt sản đạt 50% chỉ tiêu kế hoạch năm; các biện pháp tránh thai khác đạt 60% chỉ tiêu kế hoạch năm; bảo đảm 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản thuộc địa bàn triển khai chiến dịch được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về SKSS, KHHGĐ; cung cấp thông tin về SKSS, KHHGĐ và các dịch vụ DS cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, vị thành niên và thanh niên trên địa bàn; khám phụ khoa cho 60% đối tượng, điều trị phụ khoa thông thường cho 50% đối tượng đăng ký sử dụng biện pháp KHHGĐ phát hiện mắc bệnh phụ khoa tại các xã địa bàn chiến dịch.
Chiến dịch được tập trung thực hiện trong thời gian một tháng (từ ngày 1 đến 30-9 tới), với các hoạt động chính như khảo sát lập danh sách đối tượng đăng ký thực hiện các gói dịch vụ SKSS, KHHGĐ; tổ chức các hoạt động tuyên truyền tư vấn, vận động đối tượng và cuối cùng là tổ chức cung cấp dịch vụ SKSS, KHHGĐ tại xã, phường có chiến dịch. Để bảo đảm chiến dịch được diễn ra thành công, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo ngành y tế các cấp huy động cán bộ y tế, trang thiết bị phục vụ trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch. Ban chỉ đạo chiến dịch cấp tỉnh, huyện và xã cũng được thành lập nhằm tổ chức triển khai và giám sát các hoạt động tại địa bàn chiến dịch.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Phó Trưởng phòng Truyền thông Giáo dục Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, tuyên truyền để người dân biết và hưởng ứng nhiệt tình thì chiến dịch mới đạt hiệu quả. Do đó, công tác tuyên truyền vận động chiến dịch năm nay rất được chú trọng, được tổ chức thực hiện ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Ở cấp tỉnh, các hoạt động tuyên truyền vận động sẽ được tổ chức bằng nhiều hình thức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trước, trong và sau chiến dịch; cung cấp các sản phẩm truyền thông phục vụ chiến dịch; đồng thời phối hợp với Khoa DS Trung tâm Y tế tuyến huyện hỗ trợ tuyến xã tổ chức tư vấn cộng đồng nhằm tăng cường các hoạt động tuyên truyền vận động nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho mọi đối tượng, chú trọng tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho đối tượng, đặc biệt là tại các khu vực nhà trọ. Ở cấp huyện, bên cạnh việc tuyên truyền vận động trên các kênh truyền thông hiện có trên địa bàn, để chiến dịch đến với mọi đối tượng, hình thức tuyên truyền còn được đa dạng hóa thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, tổ chức văn nghệ và vận động tại cộng đồng. Khoa DS sẽ tuyên truyền và giới thiệu địa điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho người di cư; tư vấn qua điện thoại, qua thư, qua internet và tư vấn cộng đồng nhằm đưa những thông điệp cần thiết tới các nhóm đối tượng của chiến dịch và tuyên truyền, vận động tại hộ gia đình, vận động trực tiếp đối tượng thực hiện KHHGĐ. Đặc biệt, tuyến huyện chú ý việc họp dân nhằm phổ biến nội dung chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi về SKSS, KHHGĐ trong nhân dân, đồng thời nhấn mạnh tới những vấn đề bức xúc trong công tác DS của địa phương. Riêng cấp xã - nơi chiến dịch trực tiếp được triển khai sẽ tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như cổ động, phát thanh, treo khẩu hiệu, pano, áp phích, phát tờ rơi… Các hoạt động chiến dịch ở cấp xã còn được lồng ghép vào những buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ DS và các nhóm sinh hoạt nhà trọ nhằm tăng cường nhận thức cho các đối tượng.
Những ngày này, ngành DS của tỉnh đang rốt ráo chuẩn bị mọi mặt, đặc biệt là công tác tuyên truyền nhằm bảo đảm chiến dịch được diễn ra thuận lợi, hiệu quả. Tuy nhiên, ngoài vai trò chính của ngành DS, chiến dịch cần có sự tham gia của cả cộng đồng, bao gồm các lực lượng tuyên truyền vận động, lực lượng cung cấp dịch vụ và các tầng lớp nhân dân nhằm làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của các đối tượng trong độ tuổi sinh sản về DS-KHHGĐ.
CẨM LÝ