Một bệnh nhi vừa được điều trị tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh do bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh, có nhiều ca người lớn lẫn trẻ em bị rắn lục đuôi đỏ cắn và bà con nên cẩn thận.
Theo bác sĩ Minh Nguyệt, ca bệnh nhi bị rắn cắn được điều trị bằng phương pháp truyền huyết thanh kháng nọc rắn. Đây là ca thứ 5 được điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn lục tại BVĐK tỉnh tính từ tháng 6 đến nay (4 ca người lớn, 1 ca trẻ em). Bệnh nhi là bé Phan G.P., 34 tháng tuổi, do vô tình đạp phải rắn lục khi đang chạy chơi, bé được người nhà đưa đến ngay bệnh viện trong vòng một tiếng đồng hồ. Bệnh nhi đã xuất viện khỏe mạnh sau 4 ngày điều trị tại khoa nhi.
Các bác sĩ cũng tham vấn cho người dân xử trí khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Đó là cần sơ cứu ban đầu khi bị rắn cắn như trấn an người bệnh vì họ rất hoảng sợ. Băng chặt chi bị cắn bằng băng vải, từ vết cắn đến gốc chi nhằm hạn chế hấp thu nọc độc (nhưng phải bắt được mạch đập của chi bị băng ép). Hạn chế cử động chi bị cắn và đặt chi bị cắn thấp hơn tim để hạn chế hấp thu nọc độc. Chuyển nhanh người bệnh đến bệnh viện. Một điều cần thiết nữa là không rạch thêm chỗ bị rắn cắn bởi sẽ dễ phát tán nọc độc, nhiễm trùng. Người nhà cũng không được đắp lá thuốc. Các bác sĩ ở BVĐK tỉnh cho biết, nhiều ca khi chuyển người bị rắn cắn đã đưa cả con rắn (đã bị đập chết). Điều này rất cần thiết để bác sĩ biết bệnh nhân bị loại rắn nào cắn, dễ cho công tác điều trị. Cách phòng chống tốt nhất là phát quang bụi rậm quanh nhà. Chú ý đừng cho trẻ chạy chơi ở bãi cỏ rậm, đi vào nơi có cây, cỏ vào ban đêm.
HƯƠNG CẦN