Năm nay, “Quyền an toàn của người tiêu dùng” là chủ đề chính được Bộ Công thương chọn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQL NTD) tại Việt Nam. Phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội BVQL NTD Bình Dương về vấn đề này…
Nhiều giải pháp được thực hiện nhằm bảo vệ quyền an toàn của NTD trong năm 2016. Ảnh: T.HỒNG
- Thưa ông, luật chúng ta đã nói nhiều về các biện pháp BVQL NTD. Tuy nhiên, thực tế đâu là giải pháp quan trọng nhất để có thể bảo vệ Quyền an toàn của NTD?
- Trên thị trường từ thành thị đến nông thôn luôn tồn tại hàng gian, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, thực phẩm không rõ xuất xứ, nhãn mác, tồn dư chất cấm... Do vậy, theo tôi thì chúng ta cần phải đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ với nhau. Nhưng trước mắt là phải tăng cường tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh biết được trách nhiệm của mình đối với NTD. Ngoài ra, các cơ quan chức năng được Nhà nước giao trách nhiệm như Chi cục Quản lý thị trường, An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Đo lường chất lượng tỉnh... cần tăng cường kiểm tra, xử lý mạnh, đúng pháp luật. Cũng cần có biện pháp vừa giáo dục, vừa xử lý đồng thời nhằm nâng cao nhận thức để những người sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm cụ thể bằng văn bản cam kết với cơ quan quản lý việc kinh doanh của mình là đúng pháp luật, sản phẩm cung cấp không gây ảnh hưởng NTD.
- Thưa ông, năm nay, “Quyền an toàn của người tiêu dùng” là chủ đề chính được nhấn mạnh nhằm BVQL NTD. Vậy, hội đã có giải pháp mới nào để thực hiện khẩu hiệu này?
- Tôi cho rằng hơn ai hết, chính NTD phải đòi hỏi khắt khe hơn. Ví dụ, phải yêu cầu thực phẩm được bán ở những nơi như thế nào, nguồn gốc thế nào, có chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư ra sao, cách chế biến, bảo quản ra sao... thì NTD mới mua. Một trong những giải pháp sắp tới của Hội BVQL NTD Bình Dương sẽ tăng cường nhiều hình thức truyền thông để thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh, tiểu thương. Vì vậy, chúng tôi sẽ phối kết hợp với các ngành chức năng tổ chức cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tiểu thương tại các chợ thực hiện cam kết với NTD về những sản phẩm mình bán ra.
- Các giải pháp cụ thể thế nào?
- Do địa bàn Bình Dương khá rộng, hoạt động của các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại khá nhiều. Do đó, chúng tôi sẽ nhanh chóng phối hợp cùng các đơn vị có chức năng liên quan để soạn thảo biểu mẫu và phát hành cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tiểu thương trên địa bàn tỉnh cam kết trách nhiệm về sản phẩm kinh doanh của mình. Chúng tôi sẽ tập trung vào những việc làm cần thiết nhất, liên quan rộng rãi nhất đến đa số NTD. Trong đó, tập trung vào các điểm, hộ kinh doanh, tiểu thương nhóm lương thực thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm; thủy hải sản; nông sản thực phẩm; rau tươi, củ quả, trái cây các loại. Ngoài ra, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan chức năng, động viên khuyến khích NTD mạnh dạn tố cáo người kinh doanh có hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, dùng chất cấm trong quá trình nuôi trồng, sản xuất, chế biến thực phẩm để NTD thực sự được sử dụng thực phẩm an toàn.
Hơn nữa, chúng tôi cũng nghiên cứu đề xuất nắm lại thông tin toàn bộ các bếp ăn tập thể, phục vụ cho công nhân tại các khu công nghiệp và bếp ăn tập thể phục vụ cho các trường học bán trú cũng cho làm cam kết như nêu trên. Sau thời gian triển khai, rút kinh nghiệm, chúng tôi sẽ tiến tới cho ký cam kết với các doanh nghiệp, kinh doanh các ngành hàng khác như nước giải khát các loại, các mặt hàng liên quan đến thực phẩm công nghệ... để có thể bảo vệ NTD một cách tốt nhất.
- Xin cảm ơn ông!
THANH HỒNG (ghi)