Tăng cường công tác phòng vệ thương mại

Cập nhật: 04-01-2020 | 10:01:39

Thời gian gần đây, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), khiếu nại từ các thị trường nhập khẩu đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam liên tục gia tăng. Đây là vấn đề các doanh nghiệp (DN) trong nước cần lưu ý, từ đó có giải pháp ứng phó hữu hiệu.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Đại Thiên Lộc (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: QUỐC CHIẾN

Diễn biến khó lường

Ông Lương Kim Thành, Trưởng phòng Xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM (Bộ Công thương), cho biết trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, nhiều nước đã tăng cường áp dụng biện pháp PVTM như chống bán phá giá, trợ cấp để bảo vệ thị trường và các ngành sản xuất của mình. Khi bị áp dụng thuế PVTM, các DN sản xuất chịu ảnh hưởng đã khắc phục bằng việc chuyển sản xuất ra khỏi nước/nền kinh tế áp dụng biện pháp phòng vệ.

Do có chính sách thuận lợi về đầu tư nước ngoài nên Việt Nam là một trong những lựa chọn của các DN đó khi quyết định dịch chuyển sản xuất. Sau khi tiếp nhận năng lực sản xuất mới, xuất khẩu từ Việt Nam tăng nhanh khiến Việt Nam dễ trở thành đối tượng bị theo dõi, điều tra áp dụng các biện pháp PVTM bổ sung của nước nhập khẩu.

Ông Thành cho hay, trong 7 tháng năm 2019 đã chứng kiến tần suất các vụ kiện PVTM với hàng hóa xuất khẩu của nước ta ở mức độ cao (trung bình 1 vụ/1 tháng). Hiện Bộ Công thương đang tiến hành xử lý 7 vụ việc PVTM (gồm 5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc chống trợ cấp) khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bộ cũng đang tiếp tục xử lý 7 vụ việc khởi xướng từ năm 2018, 4 vụ việc rà soát biện pháp PVTM đã áp dụng, trong đó có những vụ việc có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, tôm. Trong 7 vụ việc khởi xướng điều tra mới, thị trường Ấn Độ dẫn đầu với 4 vụ việc, Hoa Kỳ 2 vụ việc, Malaysia 1 vụ việc.

Thời gian qua, nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như xe đạp điện, sắt thép, pin năng lượng mặt trời, gỗ ván ép… có kim ngạch xuất khẩu gia tăng đột biến, từ 20 - 50%, khiến nhiều mặt hàng của nước ta bị các đối tác nhập khẩu điều tra chống lẩn tránh thuế. Hiện các thị trường lớn áp dụng nhiều biện pháp PVTM với Việt Nam là Hoa Kỳ - đang áp dụng 27 biện pháp PVTM, tiếp theo là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu. Đáng chú ý, diện mặt hàng, số lượng nước áp dụng biện pháp PVTM với Việt Nam đang tăng nhanh chóng. Trước đây, chỉ có một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu lớn, giá trị cao như thép, thủy sản… bị điều tra thì nay nhiều mặt hàng kim ngạch xuất khẩu nhỏ cũng nằm trong diện điều tra, nguy cơ bị áp thuế.

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng “nóng”, thể hiện ở việc nâng cao kim ngạch, đặc biệt là xuất khẩu và các dự án nước ngoài đầu tư vào ngành tăng rất nhanh. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng đồng thời cũng dấy lên lo ngại rủi ro về gian lận thương mại trong bối cảnh của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa kết thúc.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vừa qua, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, chia sẻ xu thế áp dụng biện pháp PVTM với Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng lên với tất cả đối tác trên thế giới. Đặc biệt, với những quốc gia có tăng trưởng nóng các mặt hàng xuất khẩu, ngoài các biện pháp áp thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp, họ còn có quyền áp dụng thuế tự vệ. Đây là thực tế đã diễn ra với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam từ dệt may, gỗ, da giày, cá tra, tôm cho đến rau, trái cây cũng đều bị áp dụng.

Chủ động ứng phó

Thực tế, các biện pháp PVTM đối với những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là một xu thế khó tránh khỏi trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, trong các mặt hàng gỗ thì gỗ dán, gỗ ghép là một trong những nhóm mặt hàng xuất khẩu có rủi ro cao và nằm ở khâu gian lận thương mại. Cụ thể, một số sản phẩm thuộc nhóm này được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau khi sơ chế hoặc không sơ chế lấy giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Hiện Cơ quan Thương mại Mỹ đang điều tra một số công ty của Trung Quốc nhập khẩu gỗ dán vào thị trường này gắn xuất xứ Việt Nam.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), ngành chế biến gỗ nước ta đang có nhiều cơ hội để tăng trưởng mạnh thị phần xuất khẩu. Điều mà các DN trong ngành đang quan ngại là khi có một số DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ nhằm “núp bóng” để né thuế và lẩn tránh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thay vì làm ăn đàng hoàng.

Thực tế cho thấy, nguy cơ này không còn là cảnh báo mà đã là sự thật. Đó là trường hợp mặt hàng ván sàn, chi tiết ghế từ Việt Nam xuất sang Mỹ tăng vọt, trùng với tình trạng cũng mặt hàng này từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam tăng tương đương. Hiện nay, không chỉ Mỹ, theo thông tin của Bộ Công thương, Cơ quan Thương mại Hàn Quốc cũng đang xem xét khả năng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ dán của Việt Nam.

Theo ông Thành, để PVTM hiệu quả, DN cần tìm hiểu kỹ về quy trình, tác động của công cụ PVTM đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành hàng mình; tự bảo vệ bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM. Các DN cũng cần nắm bắt thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.

Bộ Công thương khuyến nghị các DN nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện. Cùng với đó, DN cần thường xuyên trao đổi với hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời nắm được thông tin cảnh báo sớm, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp, đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và nghiên cứu kỹ khi có ý định nâng cao công suất và mở rộng thị trường.

Ông Thành đề nghị trong quá trình đã bị khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp PVTM, các DN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan điều tra của nước nhập khẩu trong suốt quá trình điều tra để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Chẳng hạn như vụ việc điều tra chống lẩn tránh với thép, hiện nay Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang xem xét khả năng chỉ cho phép các DN tham gia trả lời câu hỏi từ đầu được áp dụng cơ chế khai báo để miễn trừ.

Mới đây, Bộ Công thương đã ra Quyết định số 755/ QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018- 2020, xét đến 2025”. Chương trình nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp PVTM để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam cần gắn liền với chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp phụ trợ, các DN nhỏ và vừa.
Theo đó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PVTM tới các DN; tư vấn hỗ trợ DN về vấn đề pháp lý nhằm giảm chi phí cho DN khi tham gia vào các vụ việc PVTM. Hiện bộ đang thực hiện Đề án tăng cường sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để dự báo, cảnh báo sớm nguy cơ các nước áp dụng PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta; hỗ trợ DN tiếp cận thị trường các nước cũng như nghiên cứu và nắm bắt thị trường Việt Nam.

 TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=550
Quay lên trên