Tăng trưởng xanh được đánh giá là một nội dung quan trọng trong phát triển bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại hội thảo quốc tế lần thứ 6 của Hiệp hội Quản lý và Nghiên cứu công nghệ xanh vừa được tổ chức tại trường Đại học Thủ Dầu Một, các nhà khoa học đã có nhiều báo cáo khoa học góp phần giúp nhà quản lý đưa ra những giải pháp để thực hiện hiệu quả tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Các đại biểu tìm hiểu mô hình ứng dụng công nghệ sinh học tại hội thảo Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Nhiều nỗ lực
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012 đề ra 3 nhiệm vụ quan trọng, đó là: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, xanh hóa sản xuất. Thực hiện chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường và đầu tư phát triển vốn tự nhiên. Tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm và xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Trước sự biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của con người, chính sách phát triển bền vững đã và đang trở thành mục tiêu ưu tiên của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Với 3 trụ cột chính của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường, Việt Nam đang nỗ lực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào nỗ lực cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương phát triển nhanh và ổn định theo hướng công nghiệp - dịch vụ; hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, vấn đề môi trường luôn được quan tâm. Tuy nhiên, so với yêu cầu của nền kinh tế tri thức và quá trình hội nhập, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà vẫn còn nhiều thách thức. Đặc biệt, lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững cần được quan tâm nhiều hơn để Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020, hướng đến trở thành thành phố thông minh.
Tại Hội thảo quốc tế lần thứ 6 của Hiệp hội Quản lý và Nghiên cứu công nghệ xanh vừa qua, các nhà khoa học đã có nhiều báo cáo khoa học tập trung vào những ý tưởng công nghệ và quản lý xanh nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải và nước thải, sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả, quản lý môi trường đô thị và khu công nghiệp, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Những đóng góp thiết thực
Theo các nhà khoa học, giao thông là một trong những nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là khu vực có mật độ phương tiện lưu thông cao. Để tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đối với lĩnh vực giao thông, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng khi sử dụng ứng dụng mô hình Sutton sẽ đo được nồng độ các chất ô nhiễm. Điều này sẽ giúp các nhà quản lý đánh giá được không khí do hoạt động giao thông đó có gây ra ô nhiễm hay không. Để đưa ra dẫn chứng cụ thể cho nghiên cứu ứng dụng này, các nhà khoa học đã chọn Quốc lộ 13 đi qua tỉnh Bình Dương. Theo đó, hiện nay, Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao, quá trình đô thị hóa nhanh, số lượng các phương tiện giao thông đi qua các tuyến đường tại Bình Dương, đặc biệt trên Quốc lộ 13 ngày càng tăng. Quốc lộ 13 bắt đầu từ cầu Vĩnh Bình (ranh giới giữa tỉnh Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh) đến cầu Tham Rớt (ranh giới giữa tỉnh Bình Dương với tỉnh Bình Phước) dài 64,1km, có chất lượng nền đường tốt. Quốc lộ này dẫn vào khu dân cư thành thị đông đúc của TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát và là lối vào của những khu công nghiệp quan trọng như VSIP I, II, Việt Hương, Mỹ Phước, Bàu Bàng...
Để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí hai bên Quốc lộ 13 do ảnh hưởng của giao thông trên tuyến này có xảy ra hay không, nhóm nghiên cứu gồm các giảng viên Nguyễn Huỳnh Ánh Tuyết, Đinh Quang Toàn, Nguyễn Thị Khánh Tuyền và Huỳnh Thị Kim Yến của trường Đại học Thủ Dầu Một đã ứng dụng mô hình Sutton. Kết quả mô phỏng nồng độ các chất ô nhiễm chính trong mùa mưa và mùa khô hai bên Quốc lộ 13 cho thấy đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/ BTNMT, chứng tỏ hoạt động giao thông trên quốc lộ này chưa gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí xung quanh.
Trong khi đó, trên lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, để tăng trưởng xanh, phát triển bền vững việc bảo vệ cây trồng và vật nuôi là một trong những vấn đề cần được quan tâm và chú trọng. Nghiên cứu về vấn đề sử dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, Thạc sĩ Nguyễn Anh Dũng (trường Đại học Thủ Dầu Một) đã nghiên cứu khả năng đối kháng của nấm Trichoderma (Tr) với nấm hồng trên cây cao su. Nấm hồng là một bệnh nguy hại trên cây cao su vì làm lá khô, rụng, làm cụt ngọn, giảm lượng mủ và có thể gây chết cây.
Có thể thấy, việc sử dụng các loại thuốc hóa học tràn lan không chỉ ảnh hưởng xấu tới môi trường sống, sức khỏe của người dân mà còn là nguyên nhân tạo ra các chủng nấm bệnh kháng thuốc. Trên môi trường nuôi cấy tế bào nấm, Thạc sĩ Nguyễn Anh Dũng đã khảo sát khả năng đối kháng của 14 chủng nấm Trichoderma được phân lập tại những vùng nông nghiệp của tỉnh. Kết quả thí nghiệm cho thấy, khả năng đối kháng mạnh của các chủng nấm Tr với nấm Corti-cium salmonicorlor khi hiệu suất đối kháng đạt 100% chỉ sau 7 ngày nuôi cấy. Theo nhà nghiên cứu này, việc sử dụng các chủng nấm Tr để kiểm soát các loại nấm bệnh thực vật là một biện pháp an toàn và hiệu quả. Có thể nói, Bình Dương là một trong những tỉnh có thế mạnh về phát triển cây cao su. Ngoài việc giúp cây cao su tăng trưởng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng và địa phương, kết quả nghiên cứu này còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cho con người.
Hội thảo lần này thu hút hơn 200 tham luận khoa học. Nội dung các tham luận tập trung vào những vấn đề cơ bản và nóng bỏng đặt ra đối với sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu… Các tham luận đã phần nào đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng hiện nay.
Hiện Bình Dương đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cũng đang có những thay đổi nhận thức, xu hướng đầu tư để sản xuất xanh, sạch và thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. Vì vậy, việc ứng dụng sản xuất xanh, sạch vào trong sản xuất đang là định hướng thu hút đầu tư của tỉnh nhà. Tại hội thảo lần này, các tham luận khoa học sẽ góp phần giúp nhà quản lý đưa ra những giải pháp để thực hiện hiệu quả tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; đồng thời góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, trách nhiệm của doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
PHƯƠNG LÊ