Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh

Cập nhật: 09-09-2022 | 06:36:33

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 8/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội nghị thảo luận về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Nhiều ý kiến khác nhau về việc quy định giá khám, chữa bệnh

Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật. Theo đó, về bố cục của dự thảo Luật, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được bố cục lại để rõ ràng, hợp lý hơn, điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung một số tên chương, tách thêm mục. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương, 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo đã trình Quốc hội, bỏ 1 điều, bổ sung 14 điều.

Một số đại biểu đề nghị bổ sung 1 chương về tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh và 1 chương về Hội nghề nghiệp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, cụ thể hóa, bổ sung các quy định này một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo đề xuất bổ sung một mục về thử nghiệm lâm sàng tại Chương VIII (từ Điều 90 đến Điều 95) và quy định cho phép ban hành các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh bằng hình thức quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế (Điều 119) nhưng chưa có tổng kết, đánh giá tác động. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, khẩn trương tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động và hoàn thiện Hồ sơ theo quy định đối với các chính sách mới đề xuất.

Đáng lưu ý, về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6), có hai loại ý kiến khác nhau liên quan đến quy định cấm hành vi khuyến mại nhằm thu hút người đến khám bệnh, chữa bệnh. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng không nên cấm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khuyến mại vì việc này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, khuyến mại nếu áp dụng với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh, gây lãng phí xã hội... nên cần quy định cấm tương tự như cấm khuyến mại thuốc chữa bệnh trực tiếp cho người dùng.

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với loại ý kiến thứ hai.

Dự thảo Luật cũng quy định giá khám, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn. Qua quá trình chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy còn có các ý kiến khác nhau về hai nội dung liên quan tới vấn đề này.

Thứ nhất, về các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cụ thể nội hàm của 4 yếu tố cấu thành giá.

Thứ hai, về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở tư nhân cung cấp, có hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của dự thảo Luật là Nhà nước không quy định mà để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tự quyết định. Loại ý kiến thứ hai đề nghị Nhà nước cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân như đang thực hiện ở một số nước. Đối với các nội dung trên, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với loại ý kiến thứ hai.

Đề xuất quy định ba hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) bày tỏ sự quan tâm đến điều khoản về hợp tác công tư trong y tế. Đề xuất bỏ cụm từ “xã hội hóa” y tế, đại biểu cho rằng, trong lịch sử Việt Nam cũng như trên thế giới không tìm thấy định nghĩa nào cụ thể về “xã hội hóa” y tế.

“Chúng ta không thể xã hội hóa bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua máy đặt ở bệnh viện công để sử dụng rồi chia nhau lợi nhuận thu được. Không phải xã hội hóa là như thế,” đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Lân Hiếu phát biểu ý kiến.

Với lập luận như trên, đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định ba hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế. Theo đó, hình thức thứ nhất là cho vay, ưu đãi cho các bệnh viện được mua sắm, đầu tư; cụ thể hóa, khuyến khích việc này, để bệnh viện với tư cách pháp nhân có thể vay tiền của các tổ chức tín dụng, tổ chức quốc tế để đầu tư bằng các nguồn tiền vay đó. Bệnh viện có trách nhiệm bảo vệ nguồn vốn vay như một doanh nghiệp để thực hiện trách nhiệm của mình khi vay đầu tư cho y tế.

Hình thức thứ hai là hình thức thuê với hai chiều. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, hình thức này trước giờ đã có nhưng chưa được quy định rõ ràng. Chiều thứ nhất là bệnh viện công thuê các phương tiện, trang thiết bị của bệnh viện tư nhân như các máy móc đắt tiền, các phương tiện không đủ điều kiện mua. Chiều thứ hai là tư nhân thuê của bệnh viện công.

Theo đại biểu, “chiều này là rất khó,” tuy nhiên vẫn nên đặt ra trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để có hướng dần cho các luật khác hỗ trợ thi hành trong thực tiễn.

Hình thức thứ ba được đại biểu Nguyễn Lân Hiếu góp ý là hợp tác công tư phi lợi nhuận. Đại biểu cho biết, thực tế hình thức này đã được triển khai trên thế giới từ rất lâu và rất thành công: “Chúng ta đã có những bệnh viện tư nhân phi lợi nhuận, tuy nhiên chưa có bệnh viện hợp tác công tư phi lợi nhuận. Nghĩa là các nhà hảo tâm, các quỹ đóng góp xây dựng bệnh viện và cho các bệnh viện công vận hành bệnh viện đó, lợi nhuận nếu có không chia cho nhau mà tiếp tục giữ lại đầu tư để phát triển chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện, nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên bệnh viện cũng như hỗ trợ cho các trường hợp bệnh nhân nghèo khó khăn”, đại biểu làm rõ thêm.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất nên khuyến khích mô hình này và cho rằng chắc chắn sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng bỏ tiền đóng góp xây dựng bệnh viện với thương hiệu của Nhà nước.

Thảo luận tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đề nghị nên xem xét thông qua dự thảo Luật này tại 3 kỳ họp, bởi đây là Luật có ảnh hưởng lớn đến xã hội và lợi ích của người dân. Qua nghiên cứu, đại biểu Dung cho rằng, dự thảo Luật vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, phân tích thấu đáo để khi được ban hành Luật sẽ sớm đi vào cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra lấy thêm ý kiến về dự án Luật, cũng như đánh giá tác động đối với một số chính sách mới có ảnh hưởng đến cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh.

Đề cập tới hoạt động cấp cứu ngoại viện, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị cần làm rõ nội hàm của vấn đề này. Bởi theo đại biểu, cấp cứu ngoại viện không chỉ là cấp cứu của bệnh viện, của nhân viên cấp cứu ở ngoài cơ sở khám, chữa bệnh, không chỉ ở bệnh viện tuyến dưới mà còn ở ngoài cộng đồng, qua đó có thể thấy sự tham gia của lực lượng cấp cứu ngoại viện ngoài lực lượng nhân viên y tế còn có người dân.

Vì vậy, việc người dân tham gia cấp cứu ngoại viện sẽ rất có lợi khi người tham gia được đào tạo bài bản: “Khi có tai nạn, tình huống bất ngờ xảy ra, người dân có kiến thức về cấp cứu sẽ đóng góp, hỗ trợ rất nhiều cho nhân viên y tế trong lúc chờ đợi. Đặc biệt là lực lượng y tế cơ sở, nếu được đào tạo cấp cứu ngoại viện sẽ rất có lợi, rất hiệu quả trong trường hợp chờ sự hỗ trợ của tuyến trên”, đại biểu nhấn mạnh.

Đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, không cần thiết phải mở khóa đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề vì để một bác sĩ có điều kiện hành nghề thì phải mất ít nhất 8 năm cả về thời gian đào tạo ở trường đại học và thời gian làm việc thực tế. Do đó, việc mở một khóa đào tạo hành nghề ngắn hạn là không hợp lý.

Liên quan đến vấn đề tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị lựa chọn phương án là Bộ Y tế tổ chức thi đánh giá năng lực cấp chứng chỉ hành nghề thông qua kết quả đánh giá của Hội đồng Y khoa quốc gia, tuy nhiên, cần có thiết chế ràng buộc trách nhiệm của Hội đồng Y khoa quốc gia để ngăn chặn tiêu cực./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=693
Quay lên trên