Tạo động lực mới, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Cập nhật: 18-08-2023 | 08:55:44

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp (DN) mong có thêm các giải pháp giãn nợ, miễn giảm thuế, phí tiếp tục được thực hiện để có thể duy trì hoạt động, tạo việc làm cho người lao động và bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, việc chủ động liên kết phát triển cũng tạo ra thế và lực mới, đón nhận tốt nhất các giải pháp được triển khai.

 Các doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn tỉnh rất cần được hỗ trợ kết nối thị trường để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh

Cần giải pháp sát sườn

Để tháo gỡ những khó khăn, tạo điểm tựa cho phát triển, Văn phòng Chính phủ có văn bản về việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu phải chủ động triển khai các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm hỗ trợ DN, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Các DN cũng mong chờ tiếp tục được hỗ trợ để có hướng ra cụ thể. Theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh, vấn đề hiện nay của các DN là khó khăn về đầu ra hàng hóa, áp lực giữ việc làm cho người lao động, nguồn vốn khan hiếm, cơ hội tiếp cận mặt bằng sản xuất quy chuẩn rất ít. Trong đó, DN mong sẽ có thêm các giải pháp giãn nợ, miễn giảm thuế, phí.

Không riêng những vấn đề vừa nêu, mới đây, tại buổi đối thoại với Công an tỉnh, một số DN đã nêu ra khó khăn, vướng mắc liên quan đến phòng cháy chữa cháy. Quy định mới đang khiến một số DN lúng túng và chưa thể đáp ứng hoàn toàn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giày da túi xách tỉnh, cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc thực hiện đúng các quy định mới khiến các DN gặp rất nhiều trở ngại. Công an tỉnh, các cơ quan chức năng cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn về phòng cháy chữa cháy, đẩy nhanh tiến độ việc thẩm định và lập đường dây nóng để hỗ trợ DN thực hiện các quy định.

Về đầu ra hàng hóa, các DN cho rằng thời gian qua, Bộ Công thương cũng như các địa phương đã tổ chức nhiều chương trình kết nối, tạo chuỗi liên kết, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng đã hỗ trợ DN ổn định sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, cần tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa DN sản xuất và phân phối, góp phần ổn định giá thành sản phẩm, dịch vụ. Chuỗi liên kết, hợp tác cần tổ chức toàn diện và đồng bộ, giảm tối đa chi phí, đồng thời tiếp cận các thị trường mới.

Tạo động lực mới

Các DN cũng đã có bước chủ động kết nối, thiết lập hệ sinh thái mới, nâng sức cạnh tranh. Theo ông Huỳnh Trần Phi Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương, ngày 25-8 sẽ diễn ra triển lãm giao thương Đông Nam bộ tại Bình Dương. Triển lãm nhằm tạo môi trường thuận lợi để hội viên tìm hiểu ngành nghề kinh doanh, khai thác, huy động tối đa nguồn lực của mạng lưới doanh nhân trẻ. Đồng thời giúp tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, cơ hội đầu tư.

“Các gian hàng tham gia chương trình thể hiện được tính đa dạng của mô hình DN vừa và nhỏ, các DN khởi nghiệp, qua đó tạo cầu nối giao thương, sức mạnh liên kết giữa các DN trong và ngoài tỉnh cũng như liên kết với các DN nước ngoài. Triển lãm cũng đồng thời thực hiện các chính sách của tỉnh về chương trình hỗ trợ lãi suất, nguồn vốn ưu đãi cho các DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá nhân nhằm giảm các gánh nặng về các chi phí tài chính”, ông Huỳnh Trần Phi Long cho biết.

Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra hội thảo chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, cập nhật tình hình phát triển vùng trọng điểm Đông Nam bộ, xoáy sâu vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương. Đặc biệt, chương trình còn có Diễn đàn kinh tế “Kinh doanh trong thời kỳ hội nhập” với sự tham gia của các diễn giả đến từ Hà Lan, Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore… sẽ mang đến thông tin đầu tư, kinh doanh, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Đây cũng là cơ hội hỗ trợ DN tiếp cận các quỹ đầu tư, hiệp hội thương mại trên toàn cầu, giúp DN phần nào định hướng được nhu cầu kinh tế thị trường của các nước phát triển, mở rộng mối quan hệ trong việc xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế trong tương lai.

Về vấn đề hội nhập, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), cho rằng ngoài giải pháp từ cơ quan quản lý, DN nhỏ và vừa muốn cung ứng hiệu quả cho các tập đoàn phân phối bán lẻ lớn cần liên kết với nhau. Liên kết để cùng sản xuất ra sản phẩm, để mỗi một DN là một “mắt xích” trong tổng thể chuỗi cung ứng.

 Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương: Trong quá trình chuyển đổi để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc tiếp cận được nguồn tài chính là một vấn đề rất quan trọng đối với DN. Vì vậy, sẽ có sự tham gia của các tổ chức tài chính, những ngân hàng lớn để hỗ trợ cho DN tiếp cận nguồn vốn, nâng cấp máy móc thiết bị, nhà xưởng và đổi mới về khoa học công nghệ. Từ đó DN có thể tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên