Những mạch máu nhân tạo mà các nhà khoa học Mỹ tạo ra có thể tồn tại trong cơ thể người tới 9 tháng.
Ảnh minh họa: bodybio.com.
Rakesh Jain, một bác sĩ của bệnh viện Đa khoa Massachusetts tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp cấy tế bào gốc lên bề mặt não của chuột. Sau hai tuần, những tế bào gốc phát triển thành các mạch máu. Một số mạch máu trong số đó tồn tại tới 280 ngày, Telegraph đưa tin.
Một số nhà nghiên cứu từng áp dụng phương pháp tương tự để tạo ra mạch máu từ tế bào gốc, nhưng họ cấy tế bào gốc dưới da động vật, chứ không cấy trên bề mặt não. Vì thế mạch máu của họ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Ngoài ra, phương pháp của họ khiến thời gian tế bào gốc biến thành mạch máu dài gấp 5 lần so với phương pháp của Jain.
"Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã tạo ra một phương pháp hiệu quả để tạo ra các mạch máu từ tế bào gốc trong cơ thể chuột", Jain nói.
Việc tạo ra mạch máu từ tế bào gốc có thể dẫn tới nhiều liệu pháp điều trị mới đối với một số bệnh như tiểu đường và bệnh tim.
Tế bào gốc (hay tế bào mầm) chỉ tồn tại trong cơ thể người trưởng thành và bào thai. Chúng có khả năng biến thành mọi loại mô nên đóng vai trò như “bộ sửa chữa” trong cơ thể để thay thế các mô, tế bào chết hoặc quá già.
(Theo VNE)