Kỳ 2: Liên kết nâng cao sức cạnh tranh
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, việc mua bán, sát nhập doanh nghiệp (DN) sẽ diễn ra ở cường độ nhanh và mạnh hơn. Trong điều kiện đó, các DN của Bình Dương phải chứng tỏ được sự thích ứng đối với những biến động từ hội nhập.
Trong bối cảnh hội nhập, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần hợp tác, liên kết để phát triển. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương.Ản h: DUY CHÍ
Dòng vốn đầu tư tăng mạnh
Ông Lưu Phước Lộc, Giám đốc Công ty Mtrade (TX.Thuận An) cho biết, thời gian gần đây, nhiều DN nước ngoài đến Bình Dương mua những công ty sản xuất quy mô lớn lẫn các cơ sở sản xuất nhỏ. Ngành nghề các DN này mua chủ yếu là may mặc, giày da, gỗ…, bởi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, thị trường Bình Dương rất thuận lợi cho việc xuất khẩu các nhóm mặt hàng này sang các thành viên tham gia TPP.
Theo các chuyên gia, điều DN cần nhất chính là hết sức bình tĩnh trước động thái mua, sáp nhập các công ty từ dòng vốn nước ngoài. Bởi đây là việc diễn ra hết sức bình thường ở một địa phương đang có nhiều thuận lợi để phát triển công nghiệp, dịch vụ như tỉnh Bình Dương. Sự mua bán, sáp nhập sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho DN vì đồng vốn từ phía đối tác lẫn kinh nghiệm, công nghệ sẽ trở thành một phần của DN khi các ông chủ bắt tay, hợp tác trên tinh thần “cùng chia sẻ lợi ích”.
Có thể thấy, TPP có hiệu lực tạo ra sự quan tâm lớn đối với các nước đứng ngoài hiệp định này. Chắc chắn, dòng vốn sẽ chảy mạnh hơn nữa vào thị trường Bình Dương khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc chưa gia nhập TPP, họ sẽ quan tâm nhiều hơn môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng để hưởng lợi từ những chính sách thuế, hải quan… mà TPP mang lại.
Doanh nghiệp cần thích ứng
Chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương nhận định, dù trong bối cảnh nào điều cần làm của mỗi DN của Bình Dương là sự thích ứng với thay đổi của nền kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh và ngay cả nguy cơ suy thoái kinh tế… mới có thể đứng vững trong guồng quay của kinh tế toàn cầu. Bài toán liên kết, liên doanh, hợp tác… quy tụ sức mạnh tổng thể sẽ giúp các DN đứng vững trong cơ chế thị trường
Hiện Bình Dương có các hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội dệt may, giày da; Hiệp hội chế biến gỗ; Hiệp hội gốm sứ và thủ công mỹ nghệ… Các hiệp hội này ngày càng mở rộng quy mô và tăng cường thêm hội viên chính là tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng DN tại Bình Dương. Bên cạnh đó, cùng với sự trợ giúp của Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh đã thường xuyên tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại tại thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ nhằm giúp DN nội địa mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho chiến lược phát triển lâu dài.
Chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương cho rằng, Bình Dương đang có nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ. Nếu mỗi DN đứng riêng lẻ rất khó cạnh tranh, nhất là đối với các DN nước ngoài. Hợp tác, liên kết để tăng sức mạnh cho chính DN là hướng đi phù hợp trong điều kiện hiện nay. Bởi nhờ đó, đồng vốn sẽ nhiều hơn, thị trường rộng mở hơn, kinh nghiệm, tư duy quản lý chuyên nghiệp… cũng được chia sẻ...
Trong năm 2015, một DN gỗ ở TX.Thuận An đã bắt tay với một DN của Malaysia, hay mới đây nhất là sự hợp tác giữa một công ty gốm sứ tại TX.Tân Uyên với các nhà phân phối gốm mỹ nghệ từ Mỹ… Kết quả của sự hợp tác này bước đầu cho thấy thị trường tiêu thụ đã rộng mở hơn, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên. Điều đó cho thấy, sự hợp tác, liên kết không chỉ cần diễn ra ngay tại cộng đồng DN Bình Dương, mà còn phải tận dụng từ tối đa những lợi thế của đối tác nước ngoài.
Kỳ cuối: Bảo đảm nguồn nhân lực xứng tầm
PHÙNG HIẾU