Thai kỳ và vi rút Zika

Cập nhật: 21-10-2016 | 15:37:33

(BDO) Việc TP.HCM công bố dịch Zika đã báo động về sự nguy hiểm của căn bệnh truyền nhiễm cấp tính này. Bình Dương rất gần với TP.HCM và việc ngăn ngừa bệnh là điều rất cấp bách. Phóng viên BDO đã trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông- Sức khoẻ tỉnh về vấn đề thai kỳ và vi rút Zika để các bà mẹ có hướng phòng bệnh…


Thai phụ cần được tư vấn và khám bệnh định kỳ, đầy đủ  để sinh con khoẻ mạnh

Theo bác sĩ Bạch Tuyết, bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền cho người chủ yếu qua vết cắn của muỗi vằn (tên khoa học  Aedes aegypti). Virus Zika có thể lây từ mẹ sang thai nhi trong quá trình mang thai hoặc khi sinh nở và lây truyền qua quan hệ tình dục. Có khoảng từ 60% đến 80% các trường hợp nhiễm virus Zika không có biểu hiện triệu chứng. Người bị nhiễm vi rút đến khi có dấu hiệu bệnh thường trong khoảng thời gian từ 3 đến 12 ngày. Vi rút Zika có thể tồn tại trong tinh dịch người đàn ông lâu hơn trong máu.

Phụ nữ mang thai nghi ngờ bị nhiễm vi rút zika khi có dấu hiệu sốt hoặc phát ban trên da, và có ít nhất một trong các triệu chứng sau: đau mỏi cơ hoặc khớp, viêm kết mạc mắt; đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch; hoặc chồng/ bạn tình có xét nghiệm vi rút zika dương tính. Khi có các dấu hiệu trên, phụ nữ mang thai hãy đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được TƯ VẤN và làm xét nghiệm phát hiện vi rút zika nếu có đúng tiêu chí quy định.

Chăm sóc và xử trí khi phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm vi rút Zika như thế nào là điều rất đáng quan tâm. Trường hợp phụ nữ mang thai xét nghiệm có kết quả vi rút Zika âm tính: Đầu tiên thai phụ được điều trị triệu chứng (nếu cần), sau đó được tư vấn siêu âm để phát hiện tật đầu nhỏ và/hoặc bất thường về não. Căn cứ vào kết quả siêu âm thầy thuốc sẽ tư vấn bước xử trí phù hợp.

Trường hợp phụ nữ mang thai xét nghiệm có kết quả vi rút Zika dương tính: Ngoài việc xem xét để điều trị triệu chứng, thai phụ cũng được tư vấn siêu âm để phát hiện tật đầu nhỏ và/hoặc bất thường về não. Căn cứ kết quả siêu âm sẽ tư vấn phù hợp.

Nếu không thấy dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ hoặc bất thường về não, thai phụ sẽ được tiếp tục theo dõi, chăm sóc thai theo quy định, hẹn siêu âm lại sau mỗi tháng.

Nếu siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ hoặc bất thường về não, thai phụ được chuyển đến cơ sở chuyên khoa Phụ - Sản có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán xác định đầu nhỏ; tư vấn thêm các thăm dò khác để sàng lọc các dị tật bẩm sinh và cung cấp đầy đủ thông tin cho người phụ nữ mang thai và người nhà để gia đình tự quyết định.

Ngoài các trường hợp trên, phụ nữ mang thai không có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm vi rút zika vẫn khám thai, quản lý thai theo quy định, nên đi khám ít nhất 4 lần trong cả thai kỳ và kết hợp siêu thường quy, căn cứ vào kết quả siêu âm sẽ được tư vấn và xử trí phù hợp.

Các biện pháp phòng chống lây nhiễm cho phụ nữ mang thai cũng giống như những khuyến cáo cho người dân nói chung. Thai phụ hạn chế để muỗi đốt như: mặc quần áo kín, sáng màu, dùng các kem, thuốc xua đuổi côn trùng, nằm màn; lắp lưới chống muỗi ở cửa sổ và cửa ra vào; vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng đọng nước như các mảnh vỡ, lốp xe, vỏ lon, vũng nước đọng, đậy kín các chum, bể hoặc thả cá diệt lăng quăng,...; cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm virus Zika; hạn chế đi đến vùng lưu hành dịch Zika.

Ngoài ra, nếu phụ nữ dự định có thai nhưng chồng hoặc bạn tình đã nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm hãy hoãn thời gian mang thai lại sau 6 tháng.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=882
Quay lên trên