Tham gia TPP: Doanh nghiệp cần chủ động hơn

Cập nhật: 19-09-2016 | 09:13:27

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký ngày 5-10-2015 với 12 nước (trong đó có Việt Nam). Hiệp định sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Theo các chuyên gia, TPP mở ra cơ hội hợp tác thương mại, xuất khẩu hàng hóa, nâng cao giá trị chuỗi cung ứng và hiện đại hóa sản xuất, thương mại cho các doanh nghiệp trong nước.


Doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt mọi mặt để tham gia TPP thành công.
Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Sansho Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore II). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Chuyển biến tích cực

Việt Nam là 1 trong 12 thành viên có trình độ phát triển thấp nhất trong các thành viên TPP với tổng GDP chỉ 176 tỷ USD, thu nhập bình quân khoảng 1.960 USD vào năm 2013. Gia nhập TPP sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước hợp tác, đầu tư, đổi mới công nghệ, liên kết phát triển sản xuất nhờ những lợi thế về lợi nhuận mà các ngành có thế mạnh của nước ta hiện nay mang lại. Tại Bình Dương, các ngành như chế biến gỗ, may mặc… từ chỗ phải gia công, sản xuất theo mẫu và đơn đặt hàng như trước đây thì nay, đã có nhiều doanh nghiệp trong nước chủ động đổi mới công nghệ, tự thiết kế, sản xuất và xuất khẩu bằng thương hiệu của chính mình. Có thể kể đến như gỗ Minh Dương, Hiệp Long, Thuận An; may mặc Bình Dương; giày Thái Bình…

Đón đầu cơ hội TPP mang lại, từ năm 2013 đã xuất hiện làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất sợi vải, phụ liệu ngành dệt may… nhằm hưởng ưu đãi về thuế. Riêng tại Bình Dương, Tập đoàn dệt may Far Eastern đã đầu tư nhà máy ở Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore I (TX.Thuận An), nay mở rộng ra KCN Bàu Bàng và tỉnh Bình Phước; Tập đoàn Kyung Bang (Hàn Quốc) đầu tư tại KCN Bàu Bàng... Đây là cơ hội để ngành dệt may trong nước cũng như trong tỉnh tranh thủ để tổ chức lại sản xuất, phát triển công nghệ, hoàn thiện chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu như trước đây.

Chuẩn bị tốt mọi mặt

Hiện nay, dù đã có quan hệ hợp tác song phương, toàn diện với hầu hết các nền kinh tế tham gia TPP, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa được Mỹ và một số nước khác công nhận là nền kinh tế thị trường. Điều này đang gây quan ngại cho các doanh nghiệp trong nước, vì hàng hóa xuất khẩu của trong nước có thể bị kiện bán phá giá và bị xử lý rất phức tạp. Cụ thể như ngành thép, chế biến gỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp đặt trụ sở, nhà máy tại Bình Dương.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, tham gia TPP, Việt Nam dễ dàng đặt vấn đề với Mỹ cùng các nước khác sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong đàm phán đa phương, điều này vốn rất khó đạt được thông qua đàm phán song phương. Bên cạnh đó, mức độ hội nhập của TPP là rất sâu rộng và cao hơn cả Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong khi đó, hiện nay, mức thuế tối huệ quốc (MFN) bình quân của Việt Nam cao nhất (8,4%) trong số 12 nền kinh tế tham gia TPP. Việc phải cắt giảm mức thuế này khi TPP có hiệu lực là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam, vốn còn yếu về năng lực cạnh tranh, năng lực quản lý và điều kiện sở hữu công nghệ... Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), phần lớn doanh nghiệp khi mới tham gia thị trường thường có tâm lý lo sợ. Nhưng nếu có sự chuẩn bị kỹ chúng ta sẽ tự tin hơn, bởi vì không có nhà đầu tư nào mang cả nhà máy, đội ngũ nhân sự đi ra nước ngoài đầu tư mà chủ yếu là tuyển chọn con người tại chỗ để huấn luyện. Đây là lợi thế mà doanh nghiệp trong nước cần phát huy.

Hiện nay, làn sóng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn chủ sở hữu đang được đẩy mạnh. Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã tham gia thị trường rất có hiệu quả, chấp nhận quy luật cạnh tranh, vươn xa đầu tư ra nước ngoài như Viettel, Vinamilk... Tại Bình Dương, nhiều doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa đã phát huy tốt hiệu quả sản xuất, kinh doanh như Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 3-2, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Dương…

Bên cạnh đó, Bình Dương là nơi tập trung đông lao động với nhiều KCN sẽ dễ phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn nên yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội là rất quan trọng. Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư Bộ Công an, cùng với thuận lợi thì khó khăn, thách thức đặt ra cũng không kém phần quan trọng khi tham gia TPP, nhưng nhìn tổng thể thì thuận lợi vẫn chiếm ưu thế. Thấy được khó khăn, thách thức và cơ hội phía trước, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cần không ngừng phấn đấu, phát huy tính chủ động sáng tạo, đổi mới để liên kết, hợp tác cùng phát triển và hội nhập. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội cần bám sát nhiệm vụ được giao, chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến xã hội để kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp nhằm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên