Ở khu phố 1, phường Mỹ Phước (TX.Bến Cát), những người dân xung quanh nhà bà Đặng Thị Bích Sen vẫn nói về bà như một người phụ nữ hiếm có, khó tìm giữa đời thường. Thói quen trích lương hưu làm từ thiện của bà Đặng Thị Bích Sen có từ hơn chục năm nay. Đều đặn hàng tháng, cứ đến ngày 5, người ta thường thấy bóng lưng nhỏ bé của bà Tư Sen ở bưu điện phường nhận tiền lương hưu. Chưa tới 4 triệu đồng tiền lương hưu, nhưng tháng nào bà cũng mang niềm vui đến với những người bất hạnh, góp thêm chút “hương sắc” cho đời…
Với bà Đặng Thị Bích Sen, “cho đi là nhận lại”
Vượt lên nghịch cảnh
Từ lâu, hình ảnh một cụ bà cụt tay, tóc bạc trắng, người nhỏ nhắn nhưng lại rất mê việc thiện đã để lại ấn tượng trong lòng nhiều người. Niềm đam mê làm từ thiện của bà không chỉ góp phần giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh bớt đi những nỗi đau trong cuộc đời, mà còn “gieo” mầm những tấm lòng nhân ái, kéo mọi người đến gần hơn với những phận đời không may mắn... Người dân trong vùng gọi bà với cái tên quen thuộc: Tư Sen.
Bà Sen sinh ra và lớn lên ở Hà Tây (nay là Hà Nội). Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà vào Bình Dương, quê chồng để sinh sống, sum vầy bên gia đình nhỏ của mình. Những tưởng từ đây cuộc sống gia đình bà sẽ bình yên nhưng rồi tai nạn bất ngờ ập đến vào năm 1981. Vụ nổ do bom mìn còn sót lại đã khiến vợ chồng bà lìa tan, chồng bà ra đi mãi mãi, còn bà bị mảnh bom cắt cụt cánh tay trái. Đau đớn hơn, bà mất luôn đứa con trong bụng khi vừa mang thai được vài tháng…
Sau tai nạn bom mìn, người đàn bà nửa đường đứt gánh, trở thành người khuyết tật. Nhìn 3 đứa con thơ ngơ ngác, không biết dựa vào ai, bà sực tỉnh. Từ tuyệt vọng, bà quyết tìm tương lai cho con… Trên chiếc xe đạp thô sơ hồi đó, buộc chiếc ghế nhựa sau ba ga, bà chở đứa con út đến Xí nghiệp quốc doanh cơ khí Bến Cát để làm việc với một cánh tay còn lại. Nén nỗi đau trong lòng, bà tự động viên mình vượt qua khó khăn, tích cực lao động sản xuất để kiếm tiền nuôi con, đồng thời là chỗ dựa vững chắc cho gia đình.
Bà kể: “Nhờ trời thương nên ngần ấy năm tôi vẫn khỏe, vẫn lao động và nuôi 3 đứa con gái ăn học đàng hoàng. Các con thương mẹ vất vả, hiểu hoàn cảnh gia đình nên rất ngoan ngoãn, chịu khó học hành”.
“Làm từ thiện thì nghe lớn lao quá! Tôi tâm niệm, “một nắm lúc đói, bằng một gói lúc no”. Cuộc đời tôi cũng từng mất mát, đau thương nên đồng cảm với họ. Tôi chỉ muốn san sẻ chút tấm lòng của mình...”. (Bà Đặng Thị Bích Sen, khu phố 1, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát) |
Tâm tựa đóa sen
Thói quen trích lương hưu làm từ thiện của bà Đặng Thị Bích Sen có từ hơn chục năm nay, từ khi các con bà đều đã ổn định cuộc sống, yên bề gia thất. Vừa nhận tiền lương hưu ra khỏi cổng bưu điện, chẳng vội về nhà, bà Sen đi bộ ra tiệm tạp hóa gần đó mua 3 thùng bánh, 5 thùng mì, vài thùng sữa rồi bắt xe ôm lên Trung tâm Bảo trợ Chánh Phú Hòa (TX.Bến Cát) để tặng cho những người già neo đơn ở đây.
Hình ảnh bác xe ôm chở theo cụ bà tóc bạc cùng nhiều bánh, sữa mang tới các trung tâm bảo trợ xã hội có lẽ đã quá quen thuộc với nhiều người nơi đây. Bởi đều đặn, tháng nào bà cũng đi một lần. Qua tháng, bà lại đi Trung tâm Bảo trợ xã hội (xã An Sơn, TP.Thuận An), rồi tháng tới, bà sẽ ghé thăm các cháu ở Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật (phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát)…
Những tiếng gọi mừng “bà ngoại Sen đã về” kèm với nụ cười rạng rỡ của những đứa trẻ mồ côi như ngầm nói lên một điều rằng, cuộc đời các em dẫu bất hạnh, nhưng các em vẫn có những niềm vui, hạnh phúc khi được một cụ bà 74 tuổi mang yêu thương đến san sẻ, bù đắp. “Chứng kiến các cháu nhỏ chịu cảnh côi cút, tôi thấy thắt lòng. Tôi rất muốn làm gì đó giúp ích cho những người bất hạnh, nhất là các cháu nhỏ”, bà Đặng Thị Bích Sen nói.
Khi tôi hỏi: “Bà cho hết rồi lấy gì mua đồ ăn, bà không tính để dành tiền phòng khi đau yếu à (?)”. Bà Đặng Thị Bích Sen nói: “Thấy người ta khổ quá, tôi không đặng!”. Ở thời điểm vật giá leo thang, cái gì cũng đắt đỏ, vậy mà bà Sen vẫn nở nụ cười quả quyết: “3,7 triệu đồng tiền lương hưu thì ăn gì hết. Rau thì có trong vườn, thịt cá con cái cũng thường mua cho. Một tháng, tôi bớt ra 1 triệu đồng thì nhằm nhò gì”.
Trong ngôi nhà cũ nhưng khá rộng rãi chỉ có mình bà ở. Đồ đạc trong nhà được xếp đặt tươm tất, ngay hàng, thẳng lối. Dắt chúng tôi tham quan một vòng quanh nhà, dừng lại ngay kệ sách, bà hồ hởi khoe với niềm tự hào về những đứa con đều đã trưởng thành: “Tủ sách này là của mấy đứa con gái tôi đấy. Cứ rảnh rỗi là tôi lại lấy ra xem”. Lật từng trang sách, bà đọc cho tôi nghe vài dòng mà không cần đeo kính. Cuộc đời lấy đi của bà cánh tay, nhưng bù lại cho bà đôi mắt, đôi mắt của cụ bà hơn 70 tuổi vẫn tinh tường, sáng rõ.
Qua câu chuyện hàng xóm kể, chúng tôi còn được biết dấu chân thiện nguyện của bà đã đi khắp vùng. Ngoài việc chăm lo thường xuyên cho các đối tượng bảo trợ, những dịp lễ, tết, quốc tế thiếu nhi, bà đều mua bánh trái đi phát trong khu có con công nhân ở trọ. Hay đơn giản chỉ là “thấy con người ta đi chích ngừa, tôi mua mớ bánh đến phát cho tụi nó vui” như bà Sen vừa cười nói với chúng tôi như thế. Bà Nguyễn Thị Như Hoa, người dân khu phố 1, phường Mỹ Phước, chia sẻ: “Bà Sen lớn tuổi nhưng có tấm lòng thiện nguyện nên ai cũng quý. Bà thường trích lương hưu để mua quà, bánh tặng các đối tượng bảo trợ xã hội. Cứ lặng lẽ, chẳng hô hào, bà tự nguyện làm những điều nhỏ nhặt nhưng thật ấm áp. Chúng tôi xem đó là điều nên học hỏi, cần làm để mọi người cùng có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Tại Trung tâm Bảo trợ Chánh Phú Hòa, sau khi hỏi thăm sức khỏe, rồi tặng quà cho các cụ già nơi đây, bà Sen chắp đôi tay khuyết nửa rồi khom lưng cúi chào “những người bạn” để ra về. Những tiếng vỗ tay đồng loạt thay lời cảm ơn của những người già neo đơn nơi đây như một lời cảm ơn chân thành, cổ vũ tấm chân tình của bà Tư Sen.
Vừa được nhận quà, ông Trần Văn Cư, nhắc tới bà Sen với sự cảm động: “Bà Sen thật tốt bụng, lâu lâu chúng tôi được nhận quà bánh của người phụ nữ này mà thấy được an ủi phần nào”. Còn bà Sen thì nói: “Làm từ thiện thì nghe lớn lao quá! Tôi tâm niệm, “một nắm lúc đói, bằng một gói lúc no”. Cuộc đời tôi cũng từng mất mát, đau thương nên đồng cảm với họ. Tôi chỉ muốn san sẻ chút tấm lòng của mình...”.
Giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn khiến bà Sen cảm thấy vui và tin yêu vào cuộc sống. Tấm lòng bao dung của người phụ nữ đã đi qua mất mát, đau thương với tâm niệm “cho đi là nhận lại” đã khiến chúng tôi tin rằng, người tốt vẫn ở quanh ta. Trong cuộc sống vẫn luôn có những tâm hồn đẹp, việc làm tử tế. Bà Tư Sen đã góp cho cuộc đời này những nghĩa cử đẹp, làm cho lòng người ấm lại giữa cuộc sống bộn bề...
Bà Nguyễn Thị Như Hoa, người dân khu phố 1, phường Mỹ Phước, chia sẻ: “Bà Sen lớn tuổi nhưng có tấm lòng thiện nguyện nên ai cũng quý. Bà thường trích lương hưu để mua quà, bánh tặng các đối tượng bảo trợ xã hội. Cứ lặng lẽ, chẳng hô hào, bà tự nguyện làm những điều nhỏ nhặt nhưng thật ấm áp. Chúng tôi xem đó là điều nên học hỏi, cần làm để mọi người cùng có cuộc sống tốt đẹp hơn”. |
HUỲNH THỦY