Chuyển lương thực, thực phẩm cho người dân bị ngập lụt
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km và còn có khả năng mạnh thêm. Ðến 19 giờ ngày 2-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ vĩ bắc; 110,4 độ kinh đông, trên khu vực phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào đất liền các tỉnh phía Ðông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Ðến 19 giờ ngày 3-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,9 độ vĩ bắc; 105,0 độ kinh đông, trên khu vực trung du Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 28 đến 33 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Từ đêm 2-8, vùng biển Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Từ sáng sớm 3-8, vùng ven biển các tỉnh phía Ðông Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Từ ngày 3-8, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Ðịnh cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 đến 5 m.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 5, trưa 1-8, Ban chỉ đạo PCLB T.Ư đã có cuộc họp bàn các biện pháp ứng phó cơn bão này. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát kiêm Trưởng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư yêu cầu Ủy ban Quốc gia TKCN và Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư thành lập hai đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống bão số 5 tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Ðịnh, Thái Bình. Trước tình hình một số tàu, thuyền hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đang gặp nguy hiểm, Bộ trưởng Cao Ðức Phát đề nghị Bộ Ngoại giao khẩn trương liên hệ với phía Trung Quốc tạo điều kiện cho người dân lên bờ tránh trú bão; đồng thời yêu cầu Bộ đội Biên phòng giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền trên. Bộ trưởng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thông báo và hướng dẫn các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên khu vực Vịnh Bắc Bộ tránh, trú bão; kiểm tra và có phương án bảo vệ an toàn người dân sinh sống ven sông, ven biển, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, các hầm lò, bến cảng, các tàu vận tải, tàu, thuyền du lịch. Các tỉnh phía bắc đề phòng mưa lớn có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ có phương án tiêu nước đệm đề phòng mưa lớn gây ngập úng.
Tính đến 13 giờ ngày 1-8, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển đã phối hợp với chính quyền địa phương thông báo, kêu gọi và hướng dẫn cho 36.634 tàu, thuyền biết vị trí, diễn biến của bão số 5 để tránh trú bão. Hiện có 13 tàu tại khu vực bắc Biển Ðông; 8 tàu tại khu vực Hoàng Sa; tàu cá QB 93792, ở tọa độ 17045’ độ vĩ bắc, 108041’ độ kinh đông bị hỏng máy. Ðến nay đã tạm khắc phục được sự cố máy, đang chạy về hướng bắc tây bắc với vận tốc khoảng 4 hải lý/giờ tránh bão. Khu vực giữa Biển Ðông hiện có 1.311 tàu, thuyền. Khu vực gần bờ có 33.850 phương tiện/147.240 đã được thông báo và di chuyển vào bờ tránh bão.
Theo Hệ thống Ðài Thông tin duyên hải (TTDH) Việt Nam, tại Quảng Ngãi, ba tàu cá đang chạy về Ðà Nẵng tránh bão số 5 thì gặp gió nam cấp 6, cấp 7, biển động mạnh nên không thể tiếp tục hành trình. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị cho các tàu này vào đảo Hải Nam tránh bão. Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đã chỉ đạo Bộ CHQS các tỉnh, thành phố ven biển như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Ðịnh, Ninh Bình, phối hợp Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố, tổ chức thông báo diễn biến cơn bão, đồng thời tiến hành kiểm đếm người, phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển. Hiện, toàn Quân khu 3 đã huy động 37.383 người sẵn sàng tham gia chống bão.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, đến chiều 1-8, 687 phương tiện với 1.864 lao động đang hoạt động trên biển được thông tin về vị trí và diễn biến của bão số 5 để chủ động phòng tránh. Trong đó có 56 phương tiện đang hoạt động xa bờ, 632 phương tiện hoạt động ven bờ. Hiện 2.450 phương tiện đã về bến neo đậu. Theo quan sát của Trạm Biên phòng Bạch Long Vĩ và lực lượng hải quân, hiện có 250 phương tiện đang hoạt động quanh đảo Bạch Long Vĩ từ 1 đến 16 hải lý.
Ban Chỉ huy PCLB và TKCN Hải Phòng và UBND thành phố chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện: thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện, tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn trước 21 giờ ngày 2-8; Dự kiến từ sáng 3-8, dừng các hoạt động vận chuyển khách du lịch, bến phà, phương tiện đường thủy nội địa; Cơ động các phương tiện tìm kiếm cứu nạn (của Trung tâm TKCN Hàng hải khu vực I, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng) ứng trực tại các khu vực trọng điểm... Ðồng thời, các lực lượng ứng trực sẵn sàng thực hiện biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, mưa lớn có thể xảy ra; Kiểm tra, rà soát đề phòng nguy cơ sạt lở đất, đá tại các khu vực dân cư và khu vực chân đồi núi, mỏ đất, đá tại huyện Thủy Nguyên, Cát Bà, quận Kiến An và Ðồ Sơn; Tạm dừng các cuộc họp trong ngày 3-8 để tập trung chỉ đạo, tổ chức phòng, chống bão.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, đến 7 giờ ngày 1-8 đã liên lạc được với toàn bộ 1.186 tàu, thuyền đang hoạt động trong tỉnh, hướng dẫn di chuyển tránh bão. Tại những đoạn đê kè xung yếu, tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động vật tư, nhân lực để ứng cứu kịp thời. Trên địa bàn tỉnh, mưa lớn những ngày qua đã làm hơn 52 ha ngao của 30 hộ dân xã Ðông Long, huyện Tiền Hải chết. Tại huyện Vũ Thư, gần 10 ha lúa mùa mới cấy cũng bị ngập úng nặng. Ban Chỉ huy PCLB Quảng Ngãi đã có công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB các huyện ven biển và huyện đảo Lý Sơn, các sở, ngành liên quan thông báo cho chủ tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão số 5 để chủ động phòng tránh. Huyện Bình Sơn, Lý Sơn sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc hiện đã nắm rõ vị trí, tọa độ của 14 phương tiện với 171 lao động đang hoạt động tại khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa và yêu cầu khẩn trương di chuyển thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc quay về bờ tránh trú bão an toàn. Tại Bình Ðịnh, đến sáng 1-8, toàn bộ tàu, thuyền của tỉnh đang hoạt động trên biển đã nhận được thông tin về bão số 5 và đang tìm nơi trú ẩn an toàn. Tỉnh hiện có 7.549 tàu với 41.430 lao động. Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã có công điện khẩn chỉ đạo các ngành, các cấp và ngư dân ven biển tiếp tục theo dõi diễn biến của bão số 5 để bảo đảm an toàn. Các địa phương tranh thủ thu hoạch lúa vụ hè thu và hoa màu để tránh bão; những nơi ven biển thường bị triều cường uy hiếp chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án di dân đến nơi an toàn nếu bão và triều cường ảnh hưởng vào đất liền.
Theo Nhân Dân