Song song với phát triển kinh tế, phải nhìn nhận rằng, Bình Dương đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường phát sinh. Lượng chất thải gia tăng, sự suy giảm chất lượng nguồn nước, đất và khí, trong đó chất thải rắn, nhất là chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ngày càng trở nên bức xúc. Trước tình hình đó, Bình Dương đang tích cực đi tìm giải pháp từ thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn…
Hiện trạng…
Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho thấy, lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn ngày càng nhiều, tăng 2,5 lần so với năm 2010. Thời gian qua, việc thu gom, xử lý CTRSH được cải thiện, các công ty và xí nghiệp công trình đô thị được tăng cường thêm nhân lực và trang thiết bị, hệ thống thu gom rác dân lập ngày càng phát triển đã nâng tỷ lệ rác đô thị được thu gom đạt 90%, trong đó tỷ lệ tái chế làm phân compost đạt 40%.
Đoàn viên thanh niên Bình Dương tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường
Hiện nay, tất cả các loại CTRSH phát sinh từ sinh hoạt của người dân đều bỏ chung và được thu gom bởi hệ thống thu gom CTRSH của tỉnh. CTRSH sau khi thu gom, được vận chuyển đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương để xử lý. Thay vì trước đây, CTRSH chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, thì từ khi nhà máy sản xuất phân compost tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2013 đến nay, CTRSH đã được phân loại, khoảng 35% được dùng để sản xuất phân hữu cơ, 65% rác thải còn lại đem chôn lấp hợp vệ sinh.
Tuy nhiên trên thực tế, số lượng CTRSH chưa được thu gom, xử lý vẫn còn khoảng 105 tấn/ngày chủ yếu từ các khu vực nhà trọ tại các khu vực có ý thức người dân còn hạn chế. Chất thải này được thải vào các khu đất trống chưa sử dụng của những hộ gia đình hoặc xả trực tiếp ra kênh, rạch thoát nước. Đây cũng là một trong các nguyên nhân góp phần gây ô nhiễm kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.
Phải thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, với mục đích xây dựng Bình Dương trở thành đô thị loại I, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2018. Đây là nhiệm vụ hết sức cấp thiết, làm cơ sở để kiện toàn hệ thống quản lý chất thải, từng bước nhân rộng nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hình thành thói quen, nếp nghĩ của người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn. Theo đó, kế hoạch thí điểm phân loại rác thải tại nguồn sẽ tập trung vào các tổ chức trung tâm thương mại, siêu thị; khu vực cơ quan hành chính, khối văn phòng; trường học, trung tâm y tế, bệnh viện; khách sạn, nhà nghỉ; cơ sở sản xuất kinh doanh và các hộ dân có phát sinh chất thải rắn.
Phạm vi triển khai kế hoạch được thực hiện theo hai quy mô: Đối với quy mô cấp tỉnh, dự kiến sẽ tổ chức trên tuyến đường đại lộ Bình Dương từ Bệnh viện Quốc tế Becamex (Lái Thiêu, TX.Thuận An) chạy dọc theo tuyến đại lộ Bình Dương - Phạm Ngọc Thạch - Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh… Đối với quy mô cấp huyện, gồm các TX.Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và TP.Thủ Dầu Một. Sở TN&MT còn cho biết, trong giai đoạn thí điểm, việc phân loại CTRSH chia ra làm hai loại gồm rác thực phẩm (các thành phần dễ phân hủy trong môi trường như thức ăn thừa, rau, củ quả, xác động vật…) và rác còn lại.
Theo kế hoạch, thời gian triển khai thí điểm từ tháng 2-2017 đến tháng 12-2018. Nội dung chính yếu trong quá trình thực hiện kế hoạch là xây dựng nội dung hướng dẫn, tổ chức hướng dẫn tuyên truyền về phân loại rác thải tại nguồn, gồm 1 sổ tay, tờ bướm, nhãn và áp phích, phim video clip, bản tin, tiểu phẩm và in ấn tài liệu có liên quan…
Được biết, tổng kinh phí thực hiện cho Kế hoạch thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn là 12.840 triệu đồng. Sở TN&MT chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kế hoạch, tổ chức giám sát hoạt động thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn của các tổ chức. Sở Tài chính sẽ bố trí ngân sách cho hoạt động thí điểm phân loại rác tại nguồn từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường. UBND phường Lái Thiêu, TX.Thuận An; phường Dĩ An, TX.Dĩ An; xã Phú An, TX.Bến Cát; phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một có trách nhiệm thông báo thời gian thu gom cho các hộ dân trong khu vực thí điểm; đôn đốc các hộ dân thực hiện phân loại theo đúng quy định; tham gia giám sát hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn. Xí nghiệp/Công ty công trình công cộng trên địa bàn bố trí phương tiện thu gom phù hợp, phối hợp với Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương trong thu gom, vận chuyển rác đúng quy định.
H.ÁI