Thị xã Thuận An: Áp lực quá tải học sinh

Cập nhật: 14-08-2012 | 00:00:00

Hàng năm, cứ đến mùa tựu trường, ngành giáo dục - đào tạo Thuận An lại canh cánh nỗi lo quá tải học sinh. Năm nay tình trạng này một lần nữa lặp lại, khiến cho các trường học ở những phường tập trung đông dân nhập cư như Bình Hòa, Thuận Giao, Bình Chuẩn... thêm một phen lao đao.

 Các cấp đều quá tải

Theo quy định trường mầm non đạt chuẩn quốc gia phải có đủ 3 khối lớp: mầm, chồi, lá; nhưng tại trường Mẫu giáo Hoa Cúc 7 đã phải “xóa” lớp mầm để ưu tiên nhận học sinh (HS) 5 tuổi vào lớp lá, số còn lại vào lớp chồi. Cô Võ Thị Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, hiện trường đã nhận 365 bé lớp chồi, lớp lá. Do chỉ tiêu có hạn, trường ưu tiên nhận trẻ có hộ khẩu thường trú, trẻ đã học lớp chồi trong năm học trước, số còn lại mới nhận trẻ tạm trú. Cuối năm học vừa qua, nhà trường đã họp, làm công tác tư tưởng với phụ huynh, nên công tác tuyển sinh năm nay diễn ra suôn sẻ, không có trường hợp phụ huynh thắc mắc, khiếu nại. 

Hàng năm trường Mẫu giáo Hoa Cúc 7 luôn quá tải học sinh

Bình Hòa là một trong số những địa phương có số dân nhập cư cao ở TX.Thuận An. Toàn phường có 1 trường công lập, 7 trường tư thục và hàng trăm nhóm lớp có phép, không phép đang hoạt động. Theo thống kê toàn phường có khoảng 2.600 trẻ đang học tại các trường trong và ngoài công lập. Nhu cầu học tập của HS ở bậc học mầm non tăng cao, nhưng phường chỉ có 1 trường công lập, đáp ứng cho khoảng 14% học sinh thì quả là một thiệt thòi lớn cho các cháu. Bởi điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ ở các trường, nhóm lớp ngoài công lập chưa đủ đáp ứng yêu cầu nuôi - dạy các cháu.

Ngoài Bình Hòa, Thuận Giao cũng là điểm nóng trong các mùa tuyển sinh. Nhà trường dự kiến năm nay tuyển sinh 7 lớp 1, nhưng hiện đã tăng lên 9 lớp, với 500 em. Tăng thêm sĩ số HS bình quân 47 em/lớp vẫn chưa đủ, trường phải lấy phòng âm nhạc, nghe nhìn để bố trí phòng học. Cô La Ngọc Lan, Hiệu trưởng trường THCS Thuận Giao ghi nhận, đáng mừng là năm nay tuyển sinh đầu cấp không có tình trạng chen lấn, xô đẩy, do trường giải quyết cho HS, kể cả diện tạm trú được vào học tại trường.

“Khổ” nhất trong các trường học ở TX.Thuận An là trường THCS Trịnh Hoài Đức. Nhiều năm liền trường phải mượn cơ sở của trường bạn để bố trí giảng dạy. Năm học này trường tiếp tục mượn 13 phòng học của trường Tiểu học Lý Tự Trọng mới đủ bố trí đủ chỗ cho HS học tập, trong đó có 3 phòng cũ kỹ, xuống cấp. Trường đã có dự án xây dựng cơ sở mới, nhưng có điều nghịch lý là, thay vì xây phòng học, sau đó mới đến các phòng chức năng và nhà đa năng, thì trường này buộc phải làm ngược lại. Giải thích về điều này, Hiệu trưởng Lê Tấn Phước cho biết, vì nếu phá bỏ trường cũ, xây dựng thay thế thì HS biết về đâu. Trước mắt, năm học này trường bố trí cho các em học ở các phòng chức năng và số phòng học mượn thêm ở trường bạn. Khi xây dựng xong các dãy phòng học sẽ dời các em về đúng vị trí.

 Dành quỹ đất cho sự nghiệp giáo dục

Là địa bàn tập trung đông dân ngoài tỉnh đến lập nghiệp, hàng năm ngành GD-ĐT TX.Thuận An tiếp nhận hàng ngàn HS nhập cư. Riêng năm học 2012-2013, ngành tiếp nhận hơn 1.500 HS ở các cấp học. Để đáp ứng nhu cầu học tập ngày một gia tăng, TX.Thuận An đã ưu tiên dành quỹ đất xây trường. Giai đoạn từ nay đến năm 2015 sẽ có 18 công trình trường được xây dựng, chủ yếu là xây dựng mới. Những trường được xây dựng có quy mô lớn, theo hướng đạt chuẩn quốc gia. trong số đó có những công trình đáng kể như: trường THCS Thuận Giao, diện tích quy hoạch trên 21.000m2; trường THCS Phú Long có diện tích 16.800m2; trường Tiểu học Bình Thuận, diện tích 14.776m2; trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Bình Nhâm), diện tích 12.541m2...

Trong năm nay, Thuận An còn có một số công trình mới đưa vào sử dụng gồm: 16 phòng học giai đoạn 2 trường Tiểu học Bình Hòa, trường Mầm non Hoa Mai 1, trường THCS Trịnh Hoài Đức; đang thi công trường THCS Phú Long. Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Phó Trưởng phòng GD-ĐT TX.Thuận An cho biết, đi đôi với đầu tư xây dựng cơ bản, hàng năm Sở GD-ĐT có bổ sung trang thiết bị phục vụ dạy học cho các chương trình mục tiêu, như trang bị máy vi tính, laptop, projector, máy chiếu tích hợp bảng thông minh. Ngoài ra, các trường còn tự trang bị thêm bằng các nguồn xã hội hóa hoặc học phí, phục vụ cho công tác giảng dạy.

Theo thống kê, năm học 2012-2013, ngành GD-ĐT Thuận An còn thiếu 118 GV mầm non, 184 GV tiểu học, 21 GV bộ môn. Số này đang chờ Sở GD-ĐT phân bổ về trong đợt xét tuyển GV năm nay. Nếu vẫn còn thiếu, ngành sẽ hợp đồng ngắn hạn, bố trí GV dạy tăng giờ, tăng tiết.

 

 

A.SÁNG - N.THANH
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=440
Quay lên trên
X