Thỏa thuận Paris về khí hậu (gọi tắt là Thỏa thuận Paris) được thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) lần thứ 21 (COP21), là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các bên trong ứng phó với BĐKH. Trách nhiệm này đã được các bên cam kết thông qua “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” (INDC).
Xác định mục tiêu
Là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó với BĐKH thông qua xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược Tăng trưởng xanh (TTX). Đây là những định hướng chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề BĐKH một cách căn cơ, bài bản trong nhiều thập kỷ tiếp theo và là nội dung chủ đạo khi xây dựng cam kết nêu trong INDC của Việt Nam trình Liên hiệp quốc tháng 9-2015. INDC của Việt Nam (sau khi Việt Nam ký kết Thỏa thuận Paris về khí hậu thì INDC được hiểu là “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC)) bao gồm hai hợp phần chính là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và thích ứng với BĐKH.
Về giảm nhẹ phát thải KNK, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030, bằng nguồn lực trong nước, sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường và có thể tăng lên thành 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu. Đóng góp về giảm nhẹ phát thải KNK của Việt Nam sẽ định kỳ được xem xét, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Về thích ứng với BĐKH, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án thích ứng với BĐKH trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về BĐKH nhằm tăng khả năng chống chịu, bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân, tạo điều kiện để có đóng góp lớn hơn trong giảm nhẹ phát thải KNK. Kế hoạch này nhằm cụ thể các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với BĐKH thực hiện các nghĩa vụ áp dụng đối với Việt Nam tại Thỏa thuận Paris.
Với mục tiêu chung là xác định vàtriển khai các hoạt động, các giải pháp phùhợp đến 2020 và2030 đểtừng bước thực hiện đầy đủcác quy định trong Thỏa thuận Paris về khí hậu áp dụng cho Việt Nam, Việt Nam sẽ phân kỳ thực hiện theo khung thời gian đến 2030, trong đó, giai đoạn 2016-2020 tiếp tục thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH đã được phê duyệt và chuẩn bị về mặt thể chế chính sách và nguồn lực để đến 2020 sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ do Thỏa thuận Paris quy định.
Đối với giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện các nội dung trong NDC vàcác nhiệm vụmới theo quy định của Thỏa thuận Paris. Trong quá trình thực hiện, kế hoạch sẽ được giám sát, rà soát, đánh giá và có thể được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cụ thể của quốc gia và quy định quốc tế.
Nhiệm vụ, giải pháp đặt ra
Để Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris được thực thi, nhiệm vụ và giải pháp mà kế hoạch đặt ra đó là:
Giảm nhẹ phát thải KNK. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, Việt Nam tiếp tục thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK trong các chương trình hành động ứng phó với BĐKH và TTX đã được phê duyệt; chuẩn bị về mặt thể chế chính sách và nguồn lực để đến 2020 sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ do Thỏa thuận Paris quy định. Đến giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện các nội dung giảm nhẹ phát thải KNK đã cam kết trong NDC, cụ thể là nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng; thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong công nghiệp và giao thông vận tải; thực hiện các nỗ lực giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện quốc gia cho từng ngành, lĩnh vực và địa phương để thực hiện các cam kết trong NDC đã được cập nhật trên cơ sở đánh giá nỗ lực toàn cầu năm 2018, 2023, 2028; tăng cường năng lực quản lý chất thải; áp dụng các công nghệ tiên tiến về tái chế chất thải rắn, xử lý chất thải rắn hữu cơ có thu hồi mêtan cho phát điện và cấp nhiệt, thu hồi khí bãi rác và đốt chất thải rắn cho phát điện…
Thích ứng với BĐKH. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, Việt Nam sẽ thực hiện các yêu cầu về thích ứng với BĐKH do Thỏa thuận Paris quy định và các đóng góp về thích ứng với BĐKH trong NDC đã được cụ thể hóa trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; thực hiện các hoạt động thích ứng với BĐKH đã được xác định trong Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 22-7-2016 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; thực hiện các hoạt động đầu tư thích ứng với BĐKH và đồng lợi ích (kết hợp thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK); thực hiện các hoạt động thích ứng với BĐKH khác nhằm tăng khả năng chống chịu, bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân, tạo điều kiện để có đóng góp lớn hơn trong giảm nhẹ phát thải KNK…
Ở giai đoạn 2021-2030,Việt Nam chủ động ứng phó với thiên tai và tăng cường giám sát khí hậu; bảo đảm an sinh xã hội; ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị; đặc biệt là tập trung và phát triển và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực con người, công nghệ và tài chính; thiết lập hệ thống công khai, minh bạch song song với việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế và cùng nhiều giải pháp nguồn vốn và nguồn lực đặt ra.
Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu nhất thiết sẽ tác động rất nhiều trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường cùng các chương trình khác, vì thế, các bộ ngành chức năng và các bộ ngành có liên quan cần thể hiện đầy đủ trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ được giao để kế hoạch sớm đi vào cuộc sống.
P.V