Thực hiện mục tiêu tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2021- 2025, định hướng 2025- 2030 trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại và tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Bình Dương là đô thị thông minh của vùng và cả nước, Bình Dương đã và đang nỗ lực thu hút dòng vốn đâu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này.
Cùng với công nghiệp, lĩnh vực thương mại - dịch vụ của tỉnh đang có những chuyển biến tích cực. Trong ảnh: Trung tâm thương mại Aeon Bình Dương
Đô thị hóa theo hướng văn minh, hiện đại
Từ năm 2016 đến nay, thực hiện Chương trình số 24/CTr/ TU ngày 16-8-2016 của Tỉnh ủy, khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Khu vực dịch vụ tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ đạt 8,33%/năm, tỷ trọng từ 21,76% năm 2016 đã tăng lên 22,69% năm 2020.
Việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ quan trọng gắn với phát triển đô thị, thành phố thông minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, một số ngành dịch vụ chất lượng cao, có tiềm năng từng bước hình thành và phát triển. Các ngành tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, nhà ở, xuất nhập khẩu, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin... tiếp tục có bước phát triển mạnh, nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tích cực phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh.
Có thể thấy rõ, cùng với công nghiệp, lĩnh vực thương mại - dịch vụ của tỉnh đang có những chuyển biến tích cực, cả trong dịch vụ phục vụ công nghiệp, đô thị, giáo dục - đào tạo. Trong định hướng phát triển bền vững, cùng với việc thu hút công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, tỉnh sẽ tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh thương mại - dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên các ngành dịch vụ hàm lượng chất xám cao, thương mại điện tử, thúc đẩy đầu tư tài chính, ngân hàng, công nghệ sáng tạo…
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Sau hơn 20 năm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, Bình Dương đã gặt hái được rất nhiều thành công, trong đó thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 3 cả nước chỉ là một ví dụ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển bền vững, nhất là muốn bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện cần là phát triển thương mại - dịch vụ với nhiều dự án lớn. Cơ hội sẽ ngày càng mở rộng hơn khi Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh là 1 trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới.
Hiện nay, 3 thành phố trực thuộc tỉnh là TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An và TP.Thuận An đang có rất nhiều tiềm năng phát triển và cần có bước đột phá mới. Về việc đột phá dịch vụ, đô thị, thương mại điện tử và đầu tư tài chính vào công nghệ, 3 thành phố này là cơ sở với quy hoạch theo hướng đô thị thông minh. Trong đó thành phố mới sẽ tiếp tục vai trò hạt nhân, Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương đang được hình thành sẽ là điểm sáng.
Cho tới thời điểm này, nhiều tên tuổi thương mại lớn của các nước đã có mặt tại Bình Dương với những tiện ích cao cấp, đạt chuẩn quốc tế và xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô lớn như Aeon, Lotte, MM Mega Market, Co.opmart (lĩnh vực thương mại), Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, Becamex, Columbia Asia Hospital (lĩnh vực y tế), hệ thống trường quốc tế Việt Hoa (TX.Tân Uyên), trường Mầm non MMI Việt Nam (TP.Thuận An), trường Đại học Quốc tế Việt Đức, khu đô thị Đại học Cổng Xanh quy mô 626 ha tại Tân Uyên… Điều này đã khẳng định sự thành công của Bình Dương trong thu hút đầu tư chiến lược, phát triển các lĩnh vực thương mại, mang lại sự đổi mới về diện mạo, hình ảnh văn minh của hoạt động thương mại.
Nhằm tiếp tục thu hút đầu tư một cách hiệu quả vào dịch vụ thương mại chất lượng cao, tỉnh đã và đang thực hiện hàng loạt các giải pháp. Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã tích cực tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến với các nhà đầu tư các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ý, Thái Lan, Ấn Độ… nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Riêng 2 tháng đầu năm 2021, Bình Dương đã thu hút được trên 200 triệu USD trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, kho bãi và lưu giữ hàng hóa, hỗ trợ vận tải, tư vấn quản lý (chiếm 55,41% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Ngoài một số dự án đang gấp rút triển khai, mới đây Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) đã đến Bình Dương và mong muốn lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện đầu tư trung tâm thương mại quy mô lớn hậu dịch bệnh Covid-19 tại TX.Bến Cát có vốn hơn 40 triệu USD. Theo lãnh đạo UBND tỉnh, đề xuất triển khai dự án của Tập đoàn Central Retail là phù hợp với định hướng phát triển của Bình Dương.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ khởi công xây dựng khu phức hợp Trung tâm Thương mại thế giới; đồng thời, kêu gọi đầu tư nâng cấp chợ nông thôn; phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ logistic; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của tỉnh; phát triển mạnh thương mại điện tử, gắn với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, nhà đầu tư để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh và xúc tiến thương mại, giới thiệu cơ hội đầu tư. (Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh) |
NGỌC THANH