Hơn 7.500 người tham gia thử nghiệm đã không lây nhiễm virus Ebola nhờ loại văcxin VSV-EBOV. Các nhà khoa học cho biết hiệu quả của văcxin là 100%, mở ra hy vọng chế ngự hoàn toàn đại dịch này.
Những thông tin về thành công của văcxin VSV-EBOV mở ra triển vọng khống chế và dập tắt dịch Ebola tại Tây Phi. Ảnh: BBC
Từ khi bàn tay tử thần mang tên Ebola càn quét Tây Phi vào tháng 3 năm ngoái, giới khoa học toàn cầu đã chạy đua không mệt mỏi để tìm cách dập tắt căn bệnh truyền nhiễm lạ gây chết người trong vòng vài ngày. Hôm 31-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố những kết quả đầu tiên của đợt thử nghiệm đang tiến hành tại Guinea. Theo đó, văcxin VSV-EBOV có khả năng bảo vệ thành công tất cả 7.500 người có nguy cơ phơi nhiễm virus tử thần.
Các thử nghiệm vẫn đang tiếp tục, WHO nhìn nhận những kết quả trên là “đầy hứa hẹn”. Wellcome Trust, một trong những tổ chức tài trợ cho nghiên cứu, mô tả thành công trong thử nghiệm văcxin là đột phá.
Theo Telegraph, thử nghiệm lâm sàng bắt đầu từ ngày 23/3 với đối tượng người nhà bệnh nhân, hàng xóm và nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân Ebola. Hiện không có trường hợp nào dương tính với virus dù có tiếp xúc gần gũi với người mắc Ebola. “Đây là kết quả đầy hứa hẹn, là nỗ lực của chính phủ Guinea, người dân và những cộng sự của chúng tôi trong dự án này. Văcxin hiệu quả là công cụ rất quan trọng để kìm chế dịch Ebola hiện tại và nguy cơ bùng phát trong tương lai”, tiến sĩ Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO nhận định.
“Thành công của văcxin là thành tích đáng biểu dương minh chứng cho sức mạnh của sự hợp tác và linh hoạt của quốc tế”, Jeremy Farrar, Giám đốc tổ chức Wellcome Trust, một trong những nhà tài trợ chương trình bày tỏ sự hào hứng về kết quả vừa công bố.
Hơn 11.000 người đã thiệt mạng từ khi Ebola bùng phát vào tháng 3 năm ngoái tại các nước Tây Phi như Liberia, Guinea, Sierra Leone, Nigeria và Mali. Số lượng ca nhiễm lên tới hơn 27.000. Các nghiên cứu cho thấy dịch Ebola bắt nguồn từ bệnh nhân đầu tiên là một bé trai chơi gần đàn dơi ăn quả thuộc làng Meliandou ở Guinea. Cậu bé qua đời ngày 3/12/2013 nhưng không được phát hiện nhiễm Ebola. Một tuần sau, mẹ, chị gái 3 tuổi và bà của bé cũng thiệt mạng. Những người tới dự tang lễ của người bà sau đó nhiễm bệnh khiến virus lây lan nhanh chóng sang các ngôi làng khác.
Văcxin VSV-EBOV do hãng dược phẩm Merck của Canada phát triển, triển khai với sự phối hợp của WHO, Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) và chính phủ các nước Canada, Na Uy, Guinea. BBC cho hay, văcxin kết hợp một phần virus Ebola và một phần virus an toàn khác để “huấn luyện” hệ miễn dịch chống lại virus Ebola. Thử nghiệm tiến hành theo cách chủng ngừa vòng (ring vaccination), tức tiêm ngừa tất cả đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh trong khu vực được chỉ định xảy ra sự bùng phát dịch bệnh, đây là phương pháp từng được sử dụng để xóa sổ bệnh sởi.
Giới khoa học bày tỏ vui mừng trước những thành công bước đầu trong thử nghiệm và tin tưởng vào triển vọng sớm dập tắt dịch Ebola. “Thông tin trên là món quà cho Tây Phi và cả thế giới”, Tiến sĩ Sakoba Keita, điều phối viên phản ứng với dịch Ebola của Guinea chia sẻ.
Theo VNE