Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 14, sáng 20/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Hiệp định khung giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về hợp tác trong sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trình bày, việc ký kết Hiệp định khung nhằm thúc đẩy hợp tác về chiều sâu và hiệu quả giữa hai nước trong việc thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình trong các lĩnh vực cùng quan tâm và trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp và quy định hiện hành, điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho thực thi các dự án hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực được nêu trong Hiệp định khung, bao gồm khoa học Trái Đất, quan sát và giám sát Trái Đất; khoa học vũ trụ; các hệ thống thăm dò; các hoạt động vũ trụ và các lĩnh vực liên quan có cùng mối quan tâm khác.
Hiệp định khung được hai Bên đàm phán và thống nhất gồm 19 Điều, nội dung của dự thảo Hiệp định không có điều khoản nào trái với quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, Điều 13 của dự thảo Hiệp định khung về vấn đề miễn trừ trách nhiệm pháp lý chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam, đồng thời Việt Nam chưa phải là thành viên “công ước về trách nhiệm quốc tế đối với thiệt hại gây ra do các vật thể vũ trụ gây ra.” Vì vậy, căn cứ quy định tại Điều 14 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, tại phiên họp này Chính phủ báo cáo và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung nói trên.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khẳng định Tờ trình của Chính phủ về việc đề xuất ký Hiệp định khung đã tuân thủ quy định của Điều 16 Luật Điều ước quốc tế. Do đó, Thường trực Ủy ban Đối ngoại đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Điều 17 Luật Điều ước quốc tế, cụ thể bổ sung Báo cáo đánh giá tác động về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế-xã hội và các tác động khác, nhất là quan hệ với các nước trong khu vực, của Hiệp định khung đối với Việt Nam.
Đối với nội dung tại Điều 13 của dự thảo Hiệp định khung liên quan đến vấn đề “miễn trừ trách nhiệm pháp lý chéo,” Ủy ban Đối ngoại nhận thấy trên thực tế một số điều ước đã ký giữa các quốc gia trên thế giới cũng đã ghi nhận chế độ miễn trừ trách nhiệm pháp lý chéo như Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực khoảng không vũ trụ giữa Pháp và Hoa Kỳ (2007), Hiệp định hợp tác về sử dụng khoảng không vũ trụ giữa Argentina và Hoa Kỳ (2011), Hiệp định về miễn trừ trách nhiệm pháp lý chéo trong khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản (1995), Hiệp định khung về hợp tác trong hàng không và thăm dò và sử dụng không phận và khoảng không vũ trụ vì mục đích dân sự và hòa bình giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc (2016)... Việc miễn trừ trách nhiệm pháp lý và bồi thường trên cơ sở có đi có lại tạo điều kiện cho các bên thực hiện việc hợp tác sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình một cách tin cậy và hiệu quả, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc ký kết Hiệp định khung. Tuy nhiên, một số đại biểu còn băn khoăn về việc miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với việc bồi thường các tổn hại phát sinh từ hoạt động vũ trụ gây ra trên lãnh thổ Việt Nam có thể làm ảnh hưởng đến vấn đề dân sinh như rác thải vũ trụ rơi xuống gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhà nước và nhân dân. Vì vậy, các đại biểu đề nghị vấn đề này cần nghiên cứu, xem xét thêm thông lệ quốc tế để phù hợp với quy định của pháp luật nước ta, đồng thời cần phải có đánh giá đầy đủ về các tác động có thể có trước khi ký kết Hiệp định khung này.
Một số ý kiến khác đề nghị cần rà soát, xem xét và nghiên cứu tính khả thi khi Hiệp định khung chỉ có hiệu lực sau khi Việt Nam gia nhập đầy đủ ba Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về khoảng không vũ trụ, bao gồm Hiệp định về trợ giúp và trao trả các nhà du hành vũ trụ và các phương tiện được đưa vào khoảng không vũ trụ năm 1968; Công ước về trách nhiệm quốc tế đối với những thiệt hại do các vật thể phóng vào vũ trụ gây ra năm 1972 và Công ước về đăng ký vật thể phóng vào vũ trụ năm 1975.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định việc ký kết Hiệp định khung giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về hợp tác trong sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình sẽ tạo điều kiện cho việc thúc đẩy hợp tác trong thăm dò, khai thác, sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình giữa hai nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Chính phủ ký kết Hiệp định khung theo quy định của Luật Điều ước quốc tế; đề nghị Chính phủ chủ động nghiên cứu đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, tương thích với quy định của Hiệp định, đảm bảo quyền và lợi ích của Việt Nam, đặc biệt kể cả quyền về tài sản, tính mạng, sức khỏe trong quá trình hoạt động hợp tác giữa hai quốc gia./.
Theo TTXVN