Từ ngày 22-10, Bình Dương thực hiện các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các hoạt động kinh tế - xã hội được mở lại trong trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, để giữ vững những thành quả chống dịch, các hàng quán, dịch vụ ăn uống và người dân cần tiếp tục chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt thông điệp “5K” của Bộ Y tế...
Người dân phấn khởi
Trong những ngày đầu khi tỉnh thực hiện hướng dẫn tạm thời các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, theo tìm hiểu của phóng viên, người dân tại các địa phương đã nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong niềm phấn khởi và tin tưởng.
Anh Lê Văn Hạt, chủ quán cà phê Hat Viet, đường Huỳnh Văn Lũy, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết gần 5 tháng tạm đóng cửa quán để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thu nhập của gia đình anh bị ảnh hưởng không nhỏ. Với giá thuê mặt bằng 10 triệu đồng/tháng cùng với chi phí sinh hoạt cho cả nhà gồm 4 người... số tiền tích lũy để phòng thân đều đã được anh mang ra trang trải chi tiêu trong 5 tháng qua. Đến nay, quán được phép mở cửa hoạt động trở lại, anh cảm thấy rất phấn khởi. “Những ngày đầu hoạt động trở lại lượng khách cũng ít hơn so với trước đây, nhanh lắm thì cũng phải mất 1 tuần mới có khách trở lại đông như cũ. Chúng tôi tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại quán. Khách tới quán uống cà phê, tôi luôn nhắc nhở việc giữ khoảng cách, quét mã QR khai báo thông tin...”, anh Hạt nói.
Người dân mua hàng tại các cửa hàng tuân thủ tốt các biện pháp phòng, chống dịch như quét mã QR, giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang
Dù phải tuân thủ quy định phòng dịch của quán như giữ khoảng cách, không ngồi tụm đông... nhưng nhiều người không cho đó là phiền hà mà nghiêm túc chấp hành. Anh Lê Hoàng Phong, một khách quen của quán cà phê Hat Viet, chia sẻ việc cho mở cửa trở lại các cơ sở dịch vụ, quán cà phê, quán ăn, chợ... giúp người dân chọn lựa những món ăn, đồ uống mình thích. Theo anh Phong, nhâm nhi ly cà phê tại quán vẫn có hương vị ngon hơn hẳn khi mua mang về nhà. Chung tay với chính quyền và các cơ sở kinh doanh dịch vụ, anh luôn thực hiện nghiêm các nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thơm, chủ quán phở trên đường 30-4, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ sau nhiều tháng phải tạm đóng cửa quán để chống dịch, việc được mở cửa hoạt động lại, bán tại chỗ là điều mong muốn của các nhà hàng, quán ăn. Để tiếp tục bảo đảm việc phòng, chống dịch, quán phở của chị cũng đã dán mã QR để khách quét khai báo thông tin, mỗi bàn chỉ kê 2 ghế thay vì 4 ghế như trước, chai nước sát khuẩn tay được đặt ở ngoài cửa, chỗ dễ nhìn thấy. Cùng tâm trạng với chị Thơm, chị Nguyễn Thị Hiền, chủ cửa hàng rau củ quả tại khu phố Bình Quới A, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An, cho biết chị cũng rất phấn khởi khi dịch bệnh đã được kiểm soát, mọi hoạt động xã hội đã trở về trạng thái “bình thường mới”. Điều này giúp việc buôn bán của cửa hàng được thuận lợi hơn. “Nhiều tháng đóng cửa, nhiều người buôn bán bị giảm thu nhập. Nay được hoạt động lại đương nhiên mọi người đều rất vui mừng và cố gắng làm để bù lại những tháng nghỉ chống dịch”.
Nêu cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh
Theo ghi nhận của phóng viên trong những ngày đầu triển khai thực hiện các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, đa số người dân, tiểu thương, cơ sở kinh doanh dịch vụ... đều rất vui mừng và phấn khởi, đồng thời vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như nghiêm túc thực hiện thông điệp “5K” (Khẩu trang - Khoảng cách - Khai báo y tế - Khử khuẩn - Không tụ tập đông người) của Bộ Y tế, quét mã QR tại các địa điểm đến...
Cửa hàng rau củ quả vẫn duy trì thực hiện các biện pháp phòng dịch trong “bình thường mới”
Tại khu vực Chợ Mới ở phường Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên chủ yếu là các sạp bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Việc mua bán của người dân trong những ngày qua ở nơi đây đã trở nên nhộn nhịp hơn nhưng mọi người luôn tuân thủ tốt công tác phòng dịch như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang... Còn tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng Bách hóa xanh trên địa bàn tỉnh, người dân tới mua hàng hóa bắt buộc phải thực hiện khai báo y tế bằng tờ khai hoặc quét mã QR, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn… Tại một số nơi, tuy đã có quy định mới nới lỏng hơn nhưng người dân vẫn còn tỏ ra dè dặt khi thực hiện các giao dịch hoặc đến các chỗ đông người bởi còn tâm lý lo sợ dịch bệnh.
Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, khi triển khai các giải pháp thực hiện để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Đồng thời, tỉnh thực hiện bao vây thu hẹp, kiểm soát chặt “vùng đỏ”, mở rộng, bảo vệ “vùng xanh”, kiểm soát và ngăn chặn nguồn lây, chuỗi lây nhiễm mới để đưa Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới”; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành để nối lại các chuỗi cung ứng sản xuất, chuỗi cung ứng lao động.
Tỉnh triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”, “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”; bám sát tình hình thực tiễn để xem xét áp dụng biện pháp phòng, chống dịch ở mức “cao hơn”, “sớm hơn” và không được “chậm hơn” khi xử lý tình huống hoặc nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp. Tỉnh tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; trong đó thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội phải thận trọng, từng bước với nguyên tắc từ phạm vi nội bộ khu phố, ấp, đến liên khu phố, ấp; đến phường, xã, đến liên phường, xã; đến huyện, đến liên huyện, thị, thành phố; kịp thời xử lý các ổ dịch có thể bùng phát...