Thực hiện Thông tư 01/2012/TT-BNN&PTNT: Doanh nghiệp gỗ gặp khó!

Cập nhật: 28-07-2012 | 00:00:00

Nhằm từng bước chấn chỉnh hoạt động chế biến và kinh doanh lâm sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản (TT01). Tuy nhiên, sau khi thông tư đi vào thực tế lại gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp (DN) sản xuất gỗ. Nhiều DN gỗ xuất khẩu gặp khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT

Cần thiết nhưng...

TT01 được ban hành để thay thế Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN trong lĩnh vực kinh doanh lâm sản. Quyết định 59 còn nhiều kẽ hở, khiến cho các cá nhân, DN kinh doanh lâm sản có nhiều điều kiện lách luật. Một số quy định bị các đối tượng lợi dụng nhằm hợp pháp hóa lâm sản có nguồn gốc bất hợp pháp. TT01 có những quy định chặt chẽ hơn như: Cho phép được kiểm tra sản phẩm mộc hoàn chỉnh; không quy định giấy phép vận chuyển đặc biệt, quy định chi tiết hồ sơ lâm sản trong từng khâu theo chuỗi cung ứng lâm sản... TT01 cũng đã xây dựng được hệ thống quản lý lâm sản bằng sổ theo dõi xuất nhập khẩu lâm sản. Cùng với đó, những quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời gian xác nhận, quản lý, lưu giữ hồ sơ lâm sản cũng được siết chặt... đã tạo ra nét mới, góp phần lập lại trật tự trong lĩnh vực kinh doanh lâm sản.

Tuy nhiên, sau 4 tháng thực hiện, TT01 đã bộc lộ rất nhiều điểm bất hợp lý. Đặc biệt là ở quy định phải lập bảng kê khai lâm sản khi khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng. Đối với nhóm gỗ này, thường được tập trung khai thác vào mùa khô, được tính đếm bằng đơn vị tấn hoặc ster. Khai thác đến đâu các DN phải lo vận chuyển đến đó để tránh hao hụt, giảm chất lượng gỗ. Nhưng từ khi TT01 ra đời, sau khi khai thác xong, DN phải hoàn tất thủ tục lập bảng kê, qua xác nhận của kiểm lâm được đo đếm từng lóng, từng khối... thì mới được vận chuyển. Tình trạng trên làm chậm tiến độ giao nhận gỗ, gây thất thoát sản lượng nếu không muốn nói là vứt gỗ đi đối với nhóm gỗ cao su, gỗ tràm và làm tăng chi phí cho người trồng rừng. Thêm vào đó, lực lượng kiểm lâm ở các địa phương rất mỏng, lại tập trung cho công tác bảo vệ rừng tự nhiên nay gánh thêm việc xác nhận sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng ngày trên địa bàn nên rất chậm trễ.

Ngoài ra, sản phẩm gỗ rừng trồng cũng rất đa dạng. Thường độ tuổi của gỗ từ 5 - 7 năm và chủ yếu là keo rừng lai. Các DN tận thu đều dùng cả gốc (bán cho các cơ sở mỹ nghệ), thân để làm sản phẩm xuất khẩu, cành nhỏ (làm củi)... Các DN gỗ sau khi mua về lại phải phân loại hoặc chuyển nhượng cho nhau để sản xuất các mặt hàng phù hợp. Chính vì thế, có hàng trăm nẻo để các sản phẩm gỗ rừng trồng đến với tay người dùng. Nếu tất cả đều phải được kiểm kê thì tất nhiên không lực lượng kiểm lâm nào có thể đảm đương hết công việc.

Khó cho DN gỗ

Ngày 17-7, 17 DN xuất khẩu gỗ qua cảng Cát Lái (TP.HCM) kêu trời vì vướng những quy định của TT01. Họ đều hoàn tất hết những thủ tục có liên quan đối với hải quan nhưng vẫn không tài nào có được giấy xác nhận của kiểm lâm đúng tinh thần TT01 để kịp đơn hàng xuất khẩu cho đối tác. Ông Trần Văn Mẫn, Công ty Chế biến đồ gỗ xuất khẩu Phú Thiên Phát tại Bình Dương, cho biết khi đi làm thủ tục, hải quan cảng Cát Lái vẫn đề nghị phải bổ sung bảng kê kiểm lâm như TT01 nên “bó giò” dù rất sốt ruột xuất hàng kịp giao cho đối tác.

Đó cũng là tình cảnh chung của hàng chục DN sản xuất gỗ trên địa bàn Bình Dương trong suốt 6 tháng qua. Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Sao Nam và là Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cho biết về nguyên tắc, khi ban hành một thông tư, phía bộ phải có những lộ trình hướng dẫn, tập huấn và có thời gian để thực hiện. Nhưng hiện nay, khi TT01 vừa ban hành không bao lâu, thì Bộ NN-PTNT lập tức gửi công văn chỉ đạo đến hải quan và kiểm lâm buộc thực hiện ngay. Do đó gây trở ngại lớn cho các DN gỗ. Cũng theo bà Loan cho biết, hiện nay hàng hóa bị ách tắc tại cảng nhiều ngày, gây tổn hại về kinh tế nghiêm trọng bởi hàng hóa không xuất khẩu đúng lịch giao hàng, đối tác than phiền và phạt vì hàng giao trễ hạn. Nghiêm trọng hơn là đơn hàng bị hủy. “Chúng tôi chưa được hướng dẫn cụ thể, chưa được tập huấn và đang hết sức hoang mang, không biết mình thuộc nhóm DN nào, mẫu đăng ký với kiểm lâm ra sao và nhóm các mặt hàng gỗ của DN sẽ được áp dụng loại nào để kê khai với kiểm lâm”, bà Loan cho biết.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đa số các DN gỗ hoạt động với loại hình sản xuất - xuất khẩu. Do đó, nguồn gốc gỗ nguyên liệu nhập vào kê khai tương đối rõ ràng và khi xuất đi đều có định mức kê khai với hải quan. Tuy nhiên, từ khi TT01 ra đời, DN rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu trong nước lẫn nhập khẩu từ nước ngoài. Bởi thế, tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất đã xảy ra tại một số công ty gỗ và sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu TT01 tiếp tục gây khó như hiện nay.

Chưa hết, khi đã sản xuất được hàng, họ lại vướng phải TT01 yêu cầu phải có búa kiểm lâm. Trong khi đó, để kiểm tra 1 container mất từ vài giờ đồng hồ đến vài ngày nên thủ tục xuất hàng bị chậm vài ngày đến 1 tuần là thường xuyên xảy ra bởi lực lượng kiểm lâm không thường xuyên có mặt để làm công tác này. Phí lưu container, lưu bãi đối với loại 40 feet là 2 triệu đồng/ngày, gây tổn thất lớn cho DN. Đó là chưa kể một số DN bị phạt hợp đồng vì xuất hàng chậm trễ và giảm uy tín, giảm khả năng cạnh tranh. Điều này gây sự bức xúc lớn trong Hiệp hội chế biến gỗ.

Bà Đỗ Thị Kim Loan bộc bạch: “Từ những phản ứng gay gắt của chúng tôi, Tổng cục Lâm nghiệp đã cử đoàn cán bộ về Bình Dương tiếp xúc để có những điều chỉnh phù hợp hơn. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi mong muốn việc bắt buộc lập bảng đối với gỗ rừng trồng nên được nới lỏng. Hoặc các điều khoản bắt buộc đối với các nhóm gỗ nhập khẩu từ các nước tiên tiến, có hệ thống quản lý tốt, chặt chẽ cũng cần gỡ bỏ vì không cần thiết. Từ năm 2011 đến nay, DN gỗ đã rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, duy trì sản xuất và cạnh tranh, nay nếu TT01 không điều chỉnh, nguy cơ đình trệ sản xuất, thậm chí là vỡ nợ đối với chúng tôi là rất cao”.

Kiểm lâm, nông dân cũng... gặp khó

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Võ Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cho biết hiện lực lượng này cũng đang gặp phải khó khăn trong việc thực hiện TT01. Bởi hiện nay lực lượng kiểm lâm Bình Dương rất mỏng. Có đến 4 địa phương là TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An, Thuận An và huyện Bến Cát đều không có diện tích rừng đạt 4.000 ha, đủ tiêu chuẩn để thành lập hạt kiểm lâm nên cả 4 địa phương này đều không có lực lượng chuyên trách. Chính vì thế, để thực hiện TT01, chi cục phải điều động các Đội kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng phụ trách. Ngoài ra, đặc điểm tình hình Bình Dương có rất nhiều gỗ cao su cũng như các công ty chế biến gỗ này để xuất khẩu. Gỗ cao su cũng thuộc 1 trong 8 nhóm gỗ quản lý theo TT01 nhưng trước đây không hề có quy định này nên hiện nay việc triển khai theo tinh thần thông tư đang gặp một số khó khăn.

Đối với các hộ dân trồng rừng thì tình cảnh càng khó hơn. Bởi theo TT01, các hộ dân phải trình được sổ đỏ và cam kết các chương trình trồng rừng. Tuy nhiên, do tập quán nên lâu nay bà con thường tận dụng đất trống, đồi trọc để trồng rừng tự phát. Chính vì thế, nếu thực hiện đúng TT01 thì số gỗ khai thác được gần như không thể lưu thông hoặc bán cho thương lái. Đó là chưa kể việc tuân thủ theo TT01 gây phiền hà, rắc rối và thất thoát lớn đối với các hộ có nhu cầu bán cây cao su.

KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=586
Quay lên trên