Là địa phương có mật độ dân số (DS) đông, biến động DS lớn, người từ địa phương khác đến sinh sống và làm việc nhiều nên công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) luôn được TP.Thuận An quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Các ban ngành, địa phương của thành phố đã triển khai, phối hợp thực hiện công tác này với nhiều giải pháp phù hợp và đã mang lại những kết quả hết sức tích cực.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, một hoạt động trong công tác dân số được TP.Thuận An quan tâm thực hiện
Quan tâm triển khai thực hiện
Trong chương trình công tác hàng năm, UBND TP.Thuận An đều giao chỉ tiêu thực hiện các kế hoạch, chương trình DS-KHHGĐ cho các ban ngành, địa phương. Trên cơ sở kế hoạch của thành phố, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các xã, phường đã đưa nội dung thực hiện chính sách DS-KHHGĐ vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hàng năm của địa phương và tiêu chí thi đua để cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên phấn đấu thực hiện. Chính sách DS-KHHGĐ cũng được đưa vào quy ước của khu phố, ấp; tiêu chí để thực hiện khu phố, ấp, xã, phường văn hóa trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trên địa bàn thành phố.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, hầu hết các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các xã, phường đều có những hình thức, mô hình hoạt động phù hợp với đối tượng tác động và nội dung nhiệm vụ được giao; từ đó đã huy động sự tham gia ngày càng rộng rãi, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn về công tác DS-KHHGĐ.
TP.Thuận An xác định công tác truyền thông giáo dục đóng vai trò quan trọng và là giải pháp cơ bản, hàng đầu để thực hiện các mục tiêu của chương trình DS-KHHGĐ nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ và hành vi. Bà Trần Thị Kim Giàu, Phó Trưởng khoa DS-KHHGĐ Trung tâm Y tế (TTYT) TP.Thuận An, cho biết hàng năm thành phố đều tổ chức chiến dịch truyền thông DS lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho 2 phường. Kết quả thực hiến chiến dịch bình quân trong 4 năm (từ năm 2017-2020) đạt 114,35% kế hoạch.
Để nâng cao hiệu quả, công tác truyền thông về DS-KHHGĐ thường được tổ chức kết hợp giữa truyền thông đại chúng với tuyên truyền trực tiếp; thông qua sinh hoạt nhóm, tư vấn tại nhà, cấp phát tài liệu, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt văn hóa của địa phương. Các đơn vị liên quan đều có kế hoạch cụ thể phối hợp với TTYT thành phố tổ chức thực hiện tuyên truyền về công tác DS - sức khỏe sinh sản - KHHGĐ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đơn vị.
Chính sự tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ của cơ quan thông tin đại chúng, các ban ngành, đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền về DS đã phát huy được sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các chương trình, mục tiêu DS; tạo môi trường thuận lợi về chính sách, nguồn lực và dư luận xã hội thúc đẩy mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng chủ động thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Nhờ đó, TP.Thuận An đã đạt được những kết quả khả quan trong việc thực hiện các chỉ tiêu DS-KHHGĐ và từng bước nâng cao chất lượng DS.
Chú trọng nâng cao chất lượng dân số
Để góp phần nâng cao chất lượng DS tại địa phương, từ nhiều năm qua, TP.Thuận An triển khai thực hiện một số dự án, đề án DS và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh, TTYT thành phố đã triển khai các hoạt động của dự án nâng cao chất lượng DS thông qua tuyên truyền, vận động can thiệp sớm bệnh tật của thai nhi và trẻ sơ sinh. Từ năm 2014 đến nay, TTYT thành phố duy trì thực hiện Đề án sàng lọc trước sinh sơ sinh, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. TP.Thuận An còn huy động được hệ thống y tế ngoài công lập trên địa bàn cùng tham gia thực hiện đề án này và đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng DS trên địa bàn.
Dự án “Tầm soát các dị dạng, bệnh tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” tiếp tục được thực hiện trên cơ sở những nội dung đã triển khai từ năm 2014 nhằm bảo đảm kết quả mô hình tốt nhất, hạn chế giảm chênh lệch giới tính khi sinh xuống dưới 108 trẻ sơ sinh nam/100 trẻ sơ sinh nữ. Việc kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được thực hiện khá tốt và chặt chẽ. Đến nay, tỷ số giới tính khi sinh của TP.Thuận An đã về mức bình thường (103 - 107 bé trai/100 bé gái). Bà Trần Thị Kim Giàu cho biết: “Đây là kết quả của quá trình thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác truyền thông vận động, các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi”.
Cùng với những chương trình, đề án, dự án trên, những năm qua, TP.Thuận An còn triển khai mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Qua đó, thành phố đã tập trung tuyên truyền, vận động chuyển đổi hành vi chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em nhằm nâng cao chất lượng giống nòi. Việc kiểm tra sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân, tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe vị thành niên, thanh niên, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trẻ em cũng như các nhóm đối tượng khác tại cộng đồng đã góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân, giảm tỷ lệ phụ nữ có bệnh, tăng số phụ nữ mang thai lần đầu có kiến thức, thực hành chăm sóc sức khỏe và nuôi con theo khoa học. Đến nay, chương trình đã được triển khai trên phạm vi toàn thành phố, phụ nữ mang thai được tư vấn và tiếp cận dịch vụ khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh ngày càng đông, hiệu quả hơn.
Để đạt được kết quả trên, theo bà Trần Thị Kim Giàu đó là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát về chương trình DS-KHHGĐ của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Các chính sách của Đảng và Nhà nước về DS ngày càng được hoàn thiện và cụ thể đã giúp cho việc triển khai công tác này ở địa phương luôn gặp thuận lợi và đạt hiệu quả. Ngoài ra, để có được kết quả trên còn có sự phối hợp hoạt động tích cực của các ban ngành, MTTQ và các đoàn thể bằng những hoạt động cụ thể để làm cho công tác này mang tính xã hội hóa ngày càng cao. Sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, nỗ lực kiên trì thực hiện công tác DS-KHHGĐ của đội ngũ cán bộ DS, y tế và cộng tác viên DS trên địa bàn là nhân tố quan trọng tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân về thực hiện chính sách DS.
“Nhận thức của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân về công tác DS-KHHGĐ đã được nâng lên rõ rệt. Việc chấp nhận quy mô gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc ngày càng được cộng đồng và nhân dân đồng tình chấp nhận và thực hiện… Những kết quả tích cực đó đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong những năm qua cũng như trong thời gian tới”, bà Giàu nói.
HỒNG THUẬN - T.AN